Đường dẫn truy cập

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc điều máy bay vận tải quân sự cỡ lớn ra Trường Sa


Trang Global Times loan tin về việc máy bay quân sự Y-20 làm nhiệm vụ ở Nam Sa. Photo Global Times.
Trang Global Times loan tin về việc máy bay quân sự Y-20 làm nhiệm vụ ở Nam Sa. Photo Global Times.

Chiều ngày 23/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc cho máy bay vận tải quân sự Y-20 đến các đảo đá ngầm trên quần đảo Trường Sa, cho rằng hành động này đã “xâm phạm chủ quyền” của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc “chấm dứt ngay và không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết phía Việt Nam “luôn theo sát tình hình ở Biển Đông.”

“Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý để khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trái với thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, gia tăng quân sự hóa, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay,” truyền thông nhà nước dẫn lời bà Hằng nói.

Hôm 21/9, trang Global Times của Trung Quốc cho biết trong hai hoạt động riêng biệt gần đây ở Biển Đông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều động máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 tới các bãi đá ngầm để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển quân nhân và tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ trong điều kiện phức tạp.

Trang này dẫn thông tin từ Hạm đội Nam Hải của PLA đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của họ hôm 18/9 cho biết: “Chở theo các cựu chiến binh đồn trú tại các đảo và đá ngầm ở quần đảo Nam Sa ở Biển Đông, một số máy bay vận tải loại mới của Không quân PLA đã cất cánh từ các sân bay trên các đảo Chữ Thập (Yongshu Reef/ Fiery Cross Reef), đảo Subi (Zhubi Reef) và đảo Vành Khăn (Meiji Reef/ Mischief Reef) hôm 16/9 và quay trở về đất liền Trung Quốc.”

Các chuyên gia nhận định trên trang Global Times rằng hoạt động trên cho thấy “khả năng của PLA trong việc bảo đảm an toàn và ổn định trong khu vực” cũng như cho thấy PLA có thể “củng cố các đảo và đá ngầm ở Biển Đông trong các nhiệm vụ phản ứng nhanh.”

Việt Nam gọi quần đảo Nam Sa là Trường Sa.

Trang Tuổi trẻ Online dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chấm dứt ngay, không tái diễn các hoạt động vi phạm tương tự, tôn trọng luật pháp quốc tế và những nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về vấn đề trên biển, đóng góp tích cực, thiết thực, và có trách nhiệm trong quan hệ hữu nghị và phát triển toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, và hợp tác trên Biển Đông.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG