Đường dẫn truy cập

Việt Nam dọa kiện Trung Quốc về vụ giàn khoan


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế".
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Hà Nội có thể kiện Trung Quốc vì Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu do nhà nước làm chủ vào hoạt động trong vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam.

Khi trả lời qua email cho phóng viên của các hãng thông tấn AP và Reuters hôm 21 tháng 5, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng 'chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế'.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết như thế trong lúc tàu bè của Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đối đầu với nhau một cách gay gắt gần quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam cho là nằm trong thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Tàu bè đôi bên đã tông va vào nhau và dùng vòi rồng tấn công nhau, làm gia tăng mối lo ngại về một cuộc xung đột quân sự rộng lớn hơn.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông dương của Đại học George Mason, cho rằng đưa Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế là một việc nên làm.

“Rất nhiều người ở trong và ngoài nước đều nghĩ rằng Việt Nam nên kiện Trung Quốc hay đưa Bắc Kinh ra Tòa án trọng tài quốc tế để giải thích rõ rệt cái nội hàm của đường lưỡi bò là gì. Điều này là điều mà mọi người đều khuyên. Vấn đề là nhà nước, chính phủ Việt Nam có đồng ý với nhau để đưa vấn đề ra không thì lại là một chuyện khác”.

Philippines đã nộp đơn cho tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye để chống đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh tỏ ý căm tức về hành động của Manila và từ chối tham gia vụ kiện.

Lâu nay Trung Quốc vẫn bác bỏ việc thông qua trọng tài quốc tế hoặc các diễn đàn đa phương để giải quyết vụ tranh chấp. Thay vào đó họ nhất mực đòi thương thuyết với từng nước một, một lập trường mang lại cho Bắc Kinh rất nhiều lợi thế.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho các hãng AP và Reuters, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Hà Nội 'kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình', nhưng Việt Nam 'không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ'.

Hôm 1 tháng 5, Bắc Kinh đã đưa giàn khoan của công ty quốc doanh CNOOC vào vùng biển có tranh chấp với Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, xem đây là hành động hung hãn mới nhất của Bắc Kinh nhằm củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

Vụ giàn khoan đã làm bùng ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam, dẫn tới những vụ bạo loạn gây tử vong cho 2 người và gây thương tích cho hàng trăm người.
Vụ giàn khoan đã làm bùng ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam.
Vụ giàn khoan đã làm bùng ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam.

Trước đó trong ngày thứ tư, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mẽ lên án hoạt động của Trung Quốc mà ông cho là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Ông phát biểu như sau trong cuộc họp báo chung tại Manila với Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

"Đôi bên quyết tâm phản đối những hành động vi phạm của Trung Quốc và kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế tiếp tục mạnh mẽ lên án Trung Quốc và đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt ngay những vụ vi phạm này và tuân hành luật pháp quốc tế một cách đầy đủ và nghiêm chỉnh."

Cũng tại cuộc họp báo này, nhà lãnh đạo Philippines cho biết Manila và Hà Nội đang xem tới khả năng thành lập một quan hệ đối tác chiến lược để chống lại Bắc Kinh.

"Tôi tin rằng tiếp tục hợp tác với Việt Nam và các thành viên khác của ASEAN sẽ góp phần thăng tiến ổn định khu vực. Đây không phải là một lời tuyên bố quá đáng khi tôi nói rằng tôi mong đợi có sự gia tăng hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng của hai nước."
Tổng thống Philippines cho biết Manila và Hà Nội đang xem tới khả năng thành lập một quan hệ đối tác chiến lược để chống lại Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines cho biết Manila và Hà Nội đang xem tới khả năng thành lập một quan hệ đối tác chiến lược để chống lại Bắc Kinh.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của Ðại học George Mason cho rằng Việt Nam và Philippines hợp tác với nhau để chống lại Trung Quốc là một 'chuyện tự nhiên'.

“Liên minh chỉ có nghĩa là cộng tác với nhau để cùng đưa ra một lập trường chung, thì cái đó là có bởi vì hai nước có quyền lợi tương đồng ít nhất về phương diện biển Đông trước sự thách thức của Trung Quốc. Tuy nhiên, về cái gọi là đòi hỏi chủ quyền chính thức thì dĩ nhiên nó không giống nhau vì Việt Nam đòi sở hữu tất cả Trường Sa và Hoàng Sa thì Philippines sẽ không chịu. Cái đó không giống nhau về phương diện nguyên tắc. Thế nhưng về phương diện chiến thuật, cả hai nước đều bị thách thức bởi Trung Quốc nên cái việc họ nói chuyện với nhau để tìm một đường lối chung là cái chuyện tự nhiên”.

Tin tức mới nhất từ Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã chỉ trích Việt Nam đưa ra những cáo giáo chống lại Trung Quốc. Tại cuộc họp báo ngày hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Việt Nam chẳng những quấy nhiễu các hoạt động hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, dung túng những vụ bạo loạn chống Trung Quốc, mà còn đi khắp nơi để đưa ra những lời chỉ trích vô lý nhắm vào Trung Quốc. Khi được hỏi về việc Hà Nội có thể nộp đơn kiện Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói rằng quần đảo Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa và không hề có tranh chấp gì ở đây.

VOA Express

XS
SM
MD
LG