Đường dẫn truy cập

Việt Nam sẽ đón tiếp ông Tập ‘trọng thị, thắm tình đồng chí’


Ông Trọng chủ trì lễ tiếp đón ông Tập ở Phủ Chủ tịch hồi năm 2017. Việt Nam thường dùng những nghi thức cao nhất để đón tiếp lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Trọng chủ trì lễ tiếp đón ông Tập ở Phủ Chủ tịch hồi năm 2017. Việt Nam thường dùng những nghi thức cao nhất để đón tiếp lãnh đạo Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam để bàn về việc ‘nâng tầm quan hệ’, trong đó có việc kết nối đường sắt giữa hai nước, và dự kiến sẽ được các lãnh đạo Việt Nam đón tiếp trọng thị, các quan chức hai nước được dẫn lời cho biết.

Ông Tập sẽ đến Việt Nam vào ngày 12/12 trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài hai ngày để đáp lễ chuyến thăm Bắc Kinh cách nay hơn một năm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là thứ ba ông Tập đến thăm Việt Nam kể từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2012, sau các chuyến thăm vào các năm 2015 và 2017

Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên mức cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện.

Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam ‘hết sức coi trọng’ chuyến thăm của ông Tập và sẽ dành cho ông Tập ‘sự tiếp đón đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em’, ông Phạm Sao Mai, Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, phát biểu với báo chí trong nước trước thềm chuyến thăm của ông Tập.

Dự kiến, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì tiếp đón và hội đàm với ông Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm của ông Trọng đến Bắc Kinh hồi tháng cuối tháng 10 năm 2022, phía Trung Quốc đã bắn 21 phát đại bác chào mừng. Hiện chưa rõ Việt Nam có đáp lễ lại cử chỉ này của phía Trung Quốc hay không.

Tiếp nối thông lệ trong các cuộc gặp Trọng-Tập, ông Trọng sẽ mời ông Tập dự tiệc trà, Tuổi Trẻ dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết. Đây sẽ là lần thứ ba hai nhà lãnh đạo này cùng uống trà đàm đạo.

Ngoài ra, hai vị tổng bí thư hai Đảng sẽ cùng gặp gỡ nhân sỹ, thế hệ trẻ Việt Nam, cũng theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Trong khi đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình và phu nhân.

Sau cuộc hội đàm với ông Trọng, ông Tập cũng sẽ hội kiến nhóm lãnh đạo tứ trụ của Việt Nam, bao gồm Chủ tịch Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

‘Nâng tầm quan hệ’

Thông cáo của Ban đối ngoại Trung ương Đảng trước đó cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông Tập là nhằm để ‘định vị mới’ và xác định ‘tầm mức mới’ cho quan hệ giữa hai nước.

Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết chuyến thăm này sẽ ‘làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Trung’. Trung Quốc là một trong những nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sớm nhất với Việt Nam, đến nay đã được 15 năm.

Hiện chưa rõ ‘định vị mới’ và ‘tầm mức mới’ trong quan hệ Việt-Trung có ý nghĩa thế nào. Nhưng phía Trung Quốc được cho là đang muốn lôi kéo Việt Nam vào ‘Cộng đồng có chung Vận mệnh’.

Nhân chuyến thăm của ông Tập, hai nước dự kiến sẽ ký hàng chục văn kiện hợp tác, từ an ninh quốc phòng, cho kinh tế thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển, hợp tác giữa các ban đảng, các bộ ngành và các địa phương…, trang mạng VnExpress cho biết.

Kết nối đường sắt

Hợp tác kết nối đường sắt là một điểm nhấn mà ông Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, đề cập khi trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam trước thềm chuyến thăm của ông Tập.

“Việt Nam là cầu nối quan trọng kết nối Trung Quốc với các nước ASEAN, là quốc gia quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Trung Quốc với các nước ASEAN,” đại sứ Hùng Ba được VnExpress dẫn lời nói.

Hai nước đang muốn kết nối đường sắt qua tuyến Hà Khẩu (thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) qua Lào Cai đi thẳng đến Hà Nội và hướng ra biển ở cảng Hải Phòng, đường ray đôi với khổ ray 1.435 mm và được điện khí hóa. Hiện dự án này đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030.

Ngoài ra, ông Hùng Ba còn nói Bắc Kinh ‘sẵn sàng viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội’.

Đại sứ Hùng cho biết Trung Quốc sẵn sàng mở rộng cửa hơn nữa cho các mặt hàng trái cây của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường chủ chốt của trái cây Việt Nam và những lần nước này đóng cửa biên giới hay ngưng nhập hàng đều khiến nông dân Việt Nam khốn đốn.

Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái, VnExpress cho biết, trong đó giá trị xuất khẩu sầu riêng 10 tháng đầu năm đã tăng vọt đạt gần 2 tỷ đô la chỉ mới sau hơn một năm Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch sầu riêng Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG