Đường dẫn truy cập

Việt Nam phản đối sách giáo khoa Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông


Người phát ngôn BNG bình luận về thông tin trên Global Times (Hoàn cầu Thời báo) về việc Trung Quốc ra sách giáo khoa lịch sử tuyên bố Biển Đông thuộc Trung Quốc "từ thời cổ đại."
Người phát ngôn BNG bình luận về thông tin trên Global Times (Hoàn cầu Thời báo) về việc Trung Quốc ra sách giáo khoa lịch sử tuyên bố Biển Đông thuộc Trung Quốc "từ thời cổ đại."

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 9/8 phản bác các thông tin “trái với sự thật” trong bộ sách giáo khoa sắp ra mắt của Trung Quốc, trong đó nói Biển Đông là một phần của Trung Quốc "từ thời cổ đại” và khẳng định đây là hành động không có lợi cho quan hệ hai nước.

Trên trang Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng bình luận về bài viết ngày 1/8 của tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo), trong đó nói bộ sách giáo khoa mà Trung Quốc dự định ra mắt vào tháng tới sẽ “nêu bật toàn vẹn lãnh thổ” của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa – mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) “đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại, và Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện ra, đặt tên, và tuần tra các khu vực này.
Global Times trích lời một giáo sư sử học Trung Quốc nói

Bài viết của tờ Global Times đưa ra một ví dụ trong những nội dung được cải biên trong bộ sách giáo khoa lịch sử cho học sinh trung học, khi trích lời Giáo sư sử học Ye Xiaobing, nói rằng cụm đảo Điếu Ngư (thuộc vùng biển phía Đông Trung Quốc) và Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) “đã là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại, và Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện ra, đặt tên, và tuần tra các khu vực này.”

Vẫn theo tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người Trung Hoa thời cổ đại đã đi qua bằng đường biển và phát hiện ra các đảo trên Biển Đông từ thời Nhà Tây Hán (từ năm 206 trước công nguyên đến năm 25 sau công nguyên).

Theo giáo sư Trung Quốc, bộ sách này sẽ được phân phối và sử dụng ở tất cả các trường học ở Trung Hoa đại lục bắt đầu từ tháng 9.

“Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế là không có lợi cho mối quan hệ song phương giữa hai nước,” bà Hằng nói trong phần đăng tải trên Twitter bằng tiếng Anh của BNG hôm 9/8.

Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế là không có lợi cho mối quan hệ song phương giữa hai nước.
Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn BNG

Trước đó một ngày, bà Hằng được Tuổi Trẻ trích lời nói trong buổi họp báo thường kỳ tại Nhà khách Chính phủ với khẳng định về “bằng chứng lịch sử” của Việt Nam trên Biển Đông khi trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin bộ sách giáo khoa nói trên của Trung Quốc.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế,” bà Hằng nói hôm 8/8 tại cuộc họp báo ở Hà Nội.

Trước đây Việt Nam từng nhiều lần phản đối Trung Quốc khi nước này phát hành các bộ tem "xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông" cũng như sản xuất các quả cầu nhựa in các tỉnh phía bắc của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc.

Trong hơn 1 tháng qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng với các tàu chấp pháp của hai bên đối đầu nhau tại Bãi Tư Chính ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh điều một tàu thăm dò địa chất tới khu vực mà Hà Nội nói là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Bà Hằng hôm 8/8 khẳng định với báo chí rằng tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi khu vực. Trong hơn 1 tháng qua, Việt Nam 3 lần lên tiếng phản đối hoạt động thăm dò của tàu này, nói rằng làm như vậy là “vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.” Tuy nhiên Hà nội không có hành động pháp lý nào để kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế như nhiều chuyên gia quốc tế và người dân kêu gọi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG