Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Nắng nóng gay gắt hàng chục ngày hành hạ Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng


Một con kênh khô cạn, nứt nẻ ở tỉnh Cà Mau, Việt Nam, do nắng nóng, 26/2/2024.
Một con kênh khô cạn, nứt nẻ ở tỉnh Cà Mau, Việt Nam, do nắng nóng, 26/2/2024.

Một đợt nắng nóng bất thường đang hành hoành từ ngày 9/2 đến nay ở miền Nam Việt Nam, tác động rất tai hại đến đời sống người dân và nhiều hoạt động, đặc biệt là nông nghiệp, các báo trong nước đưa tin. Có dự báo đợt nóng có thể kéo dài sang tháng 4.

Các báo trong đó có Thanh Niên, Tuổi Trẻ nói rằng tính đến ngày 28/2, đợt nắng nóng gay gắt đã được 20 ngày và nhiều nơi, kể cả thành phố Hồ Chí Minh, đã chứng kiến nhiệt độ có lúc lên đến 37-38 độ C.

Trong một bài đăng hôm 28/2 trên trang web của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nói rằng ở nơi này thông thường từ trung tuần tháng 2 hàng năm sẽ bắt đầu xuất hiện nắng nóng một vài nơi, do đó, đợt nóng xảy ra sớm trong năm nay bị xem là “bất thường”.

Chuyên gia khí tượng này đưa ra nguyên nhân là “El Nino đang diễn ra, tác động làm xu thế nhiệt tăng, ít mưa” và lưu ý rằng “đợt nắng nóng này dự báo vẫn đang kéo dài”.

El Nino là tên gọi của hiện tượng lớp nước biển bề mặt nóng lên dị thường ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

Ông Quyết thuộc Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ dự báo rằng năm 2024, nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt như những năm có hiện tượng El Nino mạnh, với những đợt nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày liên tục, tập trung trong tháng 3 và tháng 4, xảy ra diện rộng với cả Nam Bộ.

Báo chí trong nước tường thuật rằng người dân ở Tp.HCM và các nơi khác thuộc Nam Bộ trong những ngày này cảm thấy “ngộp thở”, “rát da”, “mệt mỏi”, “khó chịu” vì trời nắng “chói chang”, “thiêu đốt” và bầu không khí “oi bức”.

Qua báo chí, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ cảnh báo người dân cần đề phòng để tránh bị “mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao”. Bên cạnh đó, đài này cũng nhắc nhở rằng do ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm trong không khí giảm thấp, nên có nguy cơ “xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư và cháy rừng”.

Tạp chí Kinh tế Nông thôn hôm 26/2 đăng bài cho hay vào những ngày cuối tháng 2, xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 ở một số nơi thuộc Đồng bằng sông Cửu Long “bắt đầu gay gắt khi ranh mặn lấn sâu vào nội đồng ở mức cao so với trung bình nhiều năm”.

Một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là tỉnh Bến Tre với tình trạng nước mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông từ 44-53 km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông từ 52-70 km, bị xem là nghiêm trọng hơn so cùng kỳ năm ngoái.

Tại các xã ven biển của tỉnh Bến Tre, có nơi cách bờ biển 20 km, nhiều hộ dân phải mua nước ngọt đã qua xử lý với giá 100.000 đồng/m3 để sử dụng, vì nước từ các giếng khoan bị nhiễm mặn.

Nhiều vùng trồng lúa và cây ăn trái thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng cũng đang bị ảnh hưởng từ đợt nắng nóng và xâm nhập mặn, vẫn theo tạp chí Kinh tế Nông thôn.

Tạp chí này dẫn nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho hay mùa khô 2023-2024 thuộc nhóm năm ít nước, mặn xâm nhập đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm.

Viện nêu trên cảnh báo về nguy cơ thiếu nước cho hơn 56.000 hectare lúa ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, cũng như có khả năng là xâm nhập mặn ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích khoảng 43.300 ha ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng.

Ngay trước mắt, một trong những thiệt hại là ở Cà Mau, hạn hán làm sụt lún đất, đường giao thông trong khi nhiều kênh mương bị cạn nước, giao thông đường thủy tê liệt, khiến cho những nông hộ khi thu hoạch lúa phải bán rẻ hơn 300-700 đồng/kg, do tốn phí vận chuyển bằng xe máy.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG