Đường dẫn truy cập

Việt Nam là địa điểm thu hút hàng đầu ở Đông Nam Á đối với giới đầu tư Mỹ


Việt Nam vẫn là thị trường chính mà các công ty Mỹ đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh dù Việt Nam đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng kinh tế của mấy năm trước và các nước láng giềng trong khu vực đang ngày càng tỏ ra thu hút hơn đối với giới đầu tư nước ngoài.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây tại khu vực Đông Nam Á do Phòng Thương mại Mỹ thực hiện được báo Wall Street Journal đăng tải, tính chung toàn khu vực, Việt Nam là địa điểm hàng đầu cho các kế hoạch đầu tư của giới doanh nghiệp Mỹ.

57% các công ty Hoa Kỳ được hỏi cho biết có ý định khuyếch trương hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong khi chỉ 6% nói muốn mở rộng làm ăn ở Indonesia, và 11% dự tính như vậy ở thị trường Thái Lan.

82% các công ty Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam kỳ vọng tăng lợi nhuận trong năm tới và hơn phân nửa có kế hoạch mở rộng đội ngũ nhân lực.

Điều này chứng tỏ các công ty Mỹ vẫn lạc quan về thị trường Việt Nam dù mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong vài năm nay bị sút giảm, kinh tế vĩ mô có các dấu hiệu bất ổn, bao gồm tiền tệ bị mất giá và các khoản nợ xấu tăng mạnh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Các ưu điểm chính của thị trường Việt Nam là môi trường chính trị ổn định, an toàn cá nhân cao, và hệ thống chính trị nhà nước ổn định. Những nhược điểm gây quan ngại cho giới kinh doanh Mỹ bao gồm điều kiện cơ sở hạ tầng, tham nhũng, và luật lệ.

Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ chỉ ra rằng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam vẫn còn hoài nghi về các nỗ lực bài trừ tham nhũng của nhà nước. Cứ 10 công ty Mỹ tham gia cuộc khảo sát thì có gần 8 công ty bày tỏ quan ngại về nạn tiêu cực, tham nhũng, hối lộ đang hoành hành tại Việt Nam.

Cuộc khảo sát không giải thích lý do vì sao, dù các công ty Mỹ lo ngại về nạn tham nhũng và các vấn đề tiêu cực tại Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn muốn mở rộng làm ăn ở Việt Nam.

Nhưng thực tế cho thấy Việt Nam tiếp tục mời gọi giới đầu tư Tây phương với một thị trường tiêu thụ lớn, giá nhân công tương đối rẻ.

Một yếu tố khác cũng được chú ý là quan hệ chính trị Việt-Mỹ tiếp tục cải thiện đặc biệt trong lúc Việt Nam đang có những bất đồng về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, một cường quốc kinh tế khác trong khu vực.

Những điều này có thể khiến cho các công ty Mỹ cảm thấy được đón mời nồng nhiệt ở Việt Nam hơn trước.

Giới chuyên môn cho rằng Việt Nam cần phải tiến hành các biện pháp rà soát kinh tế chặt chẽ bao gồm những thủ tục tư nhân hóa các công ty quốc doanh, nếu Việt Nam muốn khởi sự thu hút thêm các đợt đầu tư nước ngoài lớn.

Cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 350 lãnh đạo các công ty Mỹ hoạt động tại các nước Đông Nam Á còn cho thấy các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang lạc quan về các triển vọng làm ăn trong khu vực.

21% cho biết dự tính sẽ đa dạng hóa các nguồn đầu tư và hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc sang các nước ASEAN trong vòng 2 năm tới.

Nguồn: Press Release from US Chamber of Commerce/ The Wall Street Journal/Reuters

VOA Express

XS
SM
MD
LG