Đường dẫn truy cập

Việt Nam giải bài toán khó vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế


Việt Nam không ngăn sông cấm chợ trong đợt dịch mới (Hà Nội, 29/7/2020)
Việt Nam không ngăn sông cấm chợ trong đợt dịch mới (Hà Nội, 29/7/2020)

Việt Nam hiện nhắm mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của Việt Nam khẳng định tại một cuộc họp báo vào chiều thứ Hai 3/8.

Chỉ trong vòng 10 ngày qua, dịch Covid-19 ở Việt Nam đột ngột lây lan nhanh, đưa tổng số người nhiễm virus từ đầu dịch đến nay tăng lên con số 642 ca, với 6 ca tử vong và hơn 103.000 người phải cách ly, tính đến chiều 3/8.

Theo quan sát của VOA, người dân và báo giới trong nước bày tỏ lo ngại dịch bệnh sẽ làm cho tình trạng “phong tỏa”, “đóng cửa” quay trở lại, có thể gây tổn thương nặng nề đến nền kinh tế và sinh kế của người dân.

Trong cuộc họp báo được truyền trực tiếp trên Facebook, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết về phương hướng hành động của chính phủ:

“Quan điểm chung là các vùng dịch chúng ta phải khoanh, phải dập. Đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ và phải dập tắt. Ví dụ, thôn Bùi, xã Hòa Tiến, tỉnh Thái Bình, thì người ta chỉ khoanh vùng cái thôn thôi. Khoanh vùng với bán kính nhỏ, vừa đủ để dập dịch. Đồng thời chúng ta vẫn đảm bảo để kinh doanh, thông thương nền kinh tế”.

Tâm dịch hiện nay ở Việt Nam là Đà Nẵng, một trung tâm du lịch của đất nước, nơi xuất hiện trở lại các ca nhiễm trong cộng đồng vào những ngày cuối tháng 7, sau 99 ngày dịch tạm lắng xuống ở trong nước.

Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Không để lây lan ra cộng đồng. Và lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Và không được cát cứ, bất cứ hạn chế nào. Không vì kiềm chế dịch bệnh mà ngăn sông cấm chợ. Đây là quan điểm quyết liệt của Thủ tướng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng


Trong cuộc họp trực tuyến giữa chính phủ Việt Nam với một số tỉnh, thành vào chiều 2/8, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đề xuất rằng cần cách ly cả thành phố Đà Nẵng với kinh nghiệm tham khảo từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Các báo lớn như Thanh Niên, VNExpress, VietnamNet dẫn lời Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói rằng Đà Nẵng hiện có 103 người nhiễm trên dân số 1 triệu người, cần xác định thành phố này là “trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm".

Ông Nhân đề nghị rằng “Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn" và đưa ra “kinh nghiệm Vũ Hán” là “họ yêu cầu tất cả mọi người ở nhà, mỗi nhà chỉ được 1 người đi chợ 1 lần thôi, phát phiếu chỉ người đó được ra khỏi nhà đi chợ thôi. Sau một thời gian họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà", theo tường thuật trên báo chí trong nước.

Tuy nhiên, trong họp báo của chính phủ hôm 3/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho thấy một cách tiếp cận ít cứng rắn hơn:

"Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Không để lây lan ra cộng đồng. Và lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Và không được cát cứ, bất cứ hạn chế nào. Không vì kiềm chế dịch bệnh mà ngăn sông cấm chợ. Đây là quan điểm quyết liệt của Thủ tướng”.

Du khách tại sân bay Đà Nẵng ngày 26/7/2020.
Du khách tại sân bay Đà Nẵng ngày 26/7/2020.

Nói thêm về cách ứng phó để vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế, Bộ trưởng Dũng lưu ý rằng cách hành động giờ đây khác so với trước và điều quan trọng là các biện pháp không nên “cứng quá” mà cần phải “vừa đủ”:

“Ví dụ, một địa phương mà phát hiện ca nhiễm cộng đồng mới, thì chúng ta đừng đặt vấn đề là đưa ra bán kính quá rộng để giãn cách, phong tỏa. Một bệnh nhân ở phường xã nào thì khoanh cái phường đó, tổ dân số đó, chứ đừng đặt vấn đề quy mô cả huyện, cả xã. Nó khác là như thế”.

Đến nay, nhiều nhà kinh tế đánh giá rằng tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và xã hội Việt Nam là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các dự báo trước đây.

Một trong các chỉ số là tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2019, theo Tổng cục Thống kê.

Khái quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong 7 tháng qua, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra các con số gồm lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,74% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu tăng nhẹ, đạt gần 146 tỷ đô la, được bộ trưởng xem là “rất mừng”; và xuất siêu đạt 6,5 tỷ đô la, một kết quả thật “khích lệ”, theo lời ông Dũng.

Dịch Covid cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế số hóa, thương mại điện tử, làm việc, hội họp qua mạng. Điều thứ hai Việt Nam có thể làm là cải cách mạnh mẽ về thể chế, giảm giấy phép con, thực hiện công khai minh bạch để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh


Nhận định về thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói Việt Nam vẫn đối mặt với “những khó khăn lớn” và “nhiều rủi ro”.

Ông Dũng cảnh báo các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, vận tải, hàng không, dịch vụ và du lịch sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, đồng thời nói thêm rằng con số người mất việc trong quý 3 và cả thời gian sau đó “sẽ cao hơn”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dự báo với VOA rằng nếu Việt Nam kiểm soát được dịch, mức tăng trưởng của năm nay có thể đạt trong khoảng 2-3%. Ngược lại, nếu không kiểm soát được dịch, sẽ khó đạt con số đó, tiến sĩ Doanh nói.

Vẫn theo chuyên gia này, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng bằng đầu tư công. Tuy đại dịch gây ra nhiều khó khăn, thách thức, song nó cũng là chất xúc tác để Việt Nam chuyển đổi, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:

“Dịch Covid cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế số hóa, thương mại điện tử, làm việc, hội họp qua mạng. Điều thứ hai Việt Nam có thể làm là cải cách mạnh mẽ về thể chế, giảm giấy phép con, thực hiện công khai minh bạch để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển”.

Hồi cuối tháng 7, một nhóm chuyên gia thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Ngân hàng BIDV đưa ra dự báo rằng tùy theo khả năng chống đỡ đại dịch của Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2020 của đất nước có thể là một trong ba mức: 1,5% (kịch bản tiêu cực), 3% (kịch bản cơ sở), hoặc 4% (kịch bản tích cực).

VOA Express

XS
SM
MD
LG