Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Hàng vạn doanh nghiệp khốn đốn, xuất hiện nguy cơ dịch Covid-19 đợt hai


Đến tháng 5, nhiều điểm du lịch vẫn chưa mở cửa trở lại ở Việt Nam
Đến tháng 5, nhiều điểm du lịch vẫn chưa mở cửa trở lại ở Việt Nam

Trong 5 tháng đầu năm nay, hơn 26.000 doanh nghiệp ở Việt Nam đăng ký “tạm dừng” kinh doanh, các trang web của VCCI, VTC và VOV cho biết hôm 22/6, dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê.

Con số nêu trên tăng mạnh hơn 36% so với một năm trước, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Các bản tin cho biết thêm rằng riêng trong tháng 5, cả nước có hơn 3.300 doanh nghiệp “đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn”, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại dịch Covid-19 gây “tác động mạnh” đến những doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn vốn hạn chế, VCCI cho hay, được VTC và VOV trích dẫn lại, đồng thời cơ quan này lưu ý rằng không ít trong số các doanh nghiệp nêu trên “đang đối diện nguy cơ phá sản” dù dịch bệnh cơ bản được khống chế ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chịu thiệt hại rất nặng nề từ dịch Covid. Đặc biệt là các lĩnh vực như vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn… vì không có khách quốc tế và khách nội địa cũng bị giảm sút nhiều. Số doanh nghiệp xin đóng cửa và phá sản là khá lớn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh


Theo VCCI, con số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 95% trong tổng số gần 760.000 doanh nghiệp trên cả nước, tính đến hết năm 2019. Các doanh nghiệp thuộc diện này đóng góp tới 45% vào GDP và thu hút hơn 5 triệu lao động, vẫn VCCI cho biết.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu, xác nhận với VOA:

"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chịu thiệt hại rất nặng nề từ dịch Covid. Đặc biệt là các lĩnh vực như vận tải hành khách, nhà hàng, khách sạn… vì không có khách quốc tế và khách nội địa cũng bị giảm sút nhiều. Số doanh nghiệp xin đóng cửa và phá sản là khá lớn”.

Ông Doanh nói các doanh nghiệp đang cố gắng “dần dần từng bước hồi phục lại” với một số trợ giúp từ chính phủ, song theo chuyên gia này, quá trình sẽ “không nhanh được”.

Theo tìm hiểu của VOA, chính phủ Việt Nam đã có những động thái hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn vì Covid-19 như giảm lãi suất ngân hàng, hoãn nợ, giãn nợ, gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất…

Tuy các doanh nghiệp ghi nhận những biện pháp này, song họ bày tỏ với báo chí trong nước rằng rằng các chính sách như vậy “chưa thực sự đánh đúng vào nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp”.

Một phóng sự của VietnamNet giải thích về tình trạng nêu trên: Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành 4 tháng đầu năm nay gần như không có doanh thu, vì vậy giãn thuế cũng không tạo ra được dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác bị giảm mạnh doanh thu, chỉ còn 20-50% so với trước, thua lỗ, nên việc giãn thuế không đem lại nhiều hiệu quả.

Còn gia hạn tiền thuê đất chỉ có tác dụng với những doanh nghiệp thuê đất của nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu hết không được hưởng, VietnamNet cho hay.

Hình thức trợ giúp mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần lúc này, theo VietnamNet, là “được giãn nợ, giảm lãi suất cho vay số nợ cũ, cùng với đó, được vay mới với lãi suất ưu đãi”. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được, do không có tài sản đảm bảo, báo điện tử này tường thuật.

Công nhân may quần áo bảo hộ và khẩu trang ở nhà máy TNG Thái Nguyên.
Công nhân may quần áo bảo hộ và khẩu trang ở nhà máy TNG Thái Nguyên.

Một số doanh nghiệp có quy mô gấp nhiều lần cũng trải qua cú sốc kinh tế do bệnh dịch gây ra. Trong đó, công ty PouYuen ở thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần thứ hai của tháng 6 tuyên bố sẽ sa thải khoảng 6.000 công nhân, chiếm gần 10% tổng lực lượng nhân sự gồm hơn 62.000 người của công ty.

Lộ trình cắt giảm sẽ kéo dài trong 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8, hãng này cho biết. Đến nay, hãng đã cho gần 2.800 công nhân nghỉ việc.

Các doanh nghiệp một số ngành hàng gặp khó khăn lớn. Như ngành dệt may trước kia là ngành chủ lực để xuât khẩu thì hiện nay gặp khó khăn, vì khách ở Mỹ, ở châu Âu hủy bỏ khá nhiều đơn hàng.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh


Một doanh nghiệp khác cùng trong Tp.HCM - Công ty Da giày Huê Phong - cũng đã phải cắt giảm hơn 2.200 công nhân, theo các bản tin trong nước.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với VOA về nguyên nhân liên quan:

“Các doanh nghiệp một số ngành hàng gặp khó khăn lớn. Như ngành dệt may trước kia là ngành chủ lực để xuât khẩu thì hiện nay gặp khó khăn, vì khách ở Mỹ, ở châu Âu hủy bỏ khá nhiều đơn hàng. Thu nhập của người dân ở các nước đó giảm sút nên nhu cầu trên thị trường thay đổi, cũng giảm sút khá nhiều. Điều này diễn ra đối với các mặt hàng khác nhau”.

Những tin tức kinh tế không mấy tích cực được báo chí Việt Nam loan báo giữa lúc Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, Chống Covid-19 cảnh báo hôm 21/6 rằng làn sóng dịch thứ hai đã nổ ra ở nhiều nước, nguồn bệnh từ bên ngoài có thể tấn công vào Việt Nam “bất cứ lúc nào”, do đó “nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất cao”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh ghi nhận với VOA rằng Việt Nam đã thành công trong chống dịch đợt 1 và ông bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ “tiếp tục thành công” nếu xảy ra đợt dịch thứ hai.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam dưới tác động của đại dịch, chuyên gia này nói với VOA rằng Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã đặt ra cho năm nay là 7%, mà sẽ là dưới 5%, ông dự báo.

Hồi giữa tháng 4, xét đến ảnh hưởng của dịch bệnh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam có thể chỉ đạt 2,7% trong năm 2020.

VOA Express

XS
SM
MD
LG