Đường dẫn truy cập

Việt Nam chưa mua vũ khí ‘khủng’ của Mỹ?


Một chiếc P-3C Orion của Mỹ. Tin cho hay, Việt Nam "quan tâm" tới máy bay trinh sát săn ngầm này.
Một chiếc P-3C Orion của Mỹ. Tin cho hay, Việt Nam "quan tâm" tới máy bay trinh sát săn ngầm này.

Một nhà nghiên cứu kỳ cựu nhận định rằng Việt Nam có thể không mua ngay các loại vũ khí “khủng” của Mỹ, ít ngày sau khi quan chức ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận với VOA tiếng Việt rằng Hà Nội có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với quốc gia cựu thù trị giá tới gần 100 triệu đôla.

Từ Australia, Giáo sư Carl Thayer mới nói rằng ông “không ngạc nhiên khi thấy Việt Nam gia tăng việc mua các công nghệ và thiết bị liên quan tới quốc phòng từ Mỹ”, nhất là sau khi Hoa Kỳ dỡ hoàn toàn bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam năm 2016.

Tin độc quyền: Việt Nam ‘đặt mua’ gần 100 triệu đôla vũ khí Mỹ

“Kể từ khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, có khả năng rất lớn là Việt Nam sẽ tăng cường mua một số công nghệ liên quan tới quốc phòng hoặc thậm chí là cả vũ khí. Việc mua bán như vậy, dù theo chương trình Mua bán Quân sự Nước ngoài (FMS) hoặc Mua bán Thương mại Trực tiếp (DCS), cũng rất phức tạp. Các quan chức Mỹ đã dành thời gian để giải thích cho Việt Nam cách thức tiến hành”, ông Thayer nói.

FMS và DCS là hai hình thức chính để Hoa Kỳ chuyển giao các dịch vụ và thiết bị quốc phòng cho đồng minh và đối tác.

Một quan chức Mỹ giấu tên trước đó tiết lộ độc quyền với VOA tiếng Việt rằng Việt Nam đặt mua thiết bị trị giá 69,7 triệu đôla theo chương trình Mua bán Quân sự Nước ngoài và 25 triệu đôla thông qua chương trình Mua bán Thương mại Trực tiếp.

Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.
Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016.

Giáo sư Carl Thayer cho VOA Việt Ngữ biết rằng một hội thảo xúc tiến công nghiệp quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ “đang được lên kế hoạch cho năm nay”, sau hai lần trước năm 2015 và 2016.

Ông đánh giá rằng, hiện nay, “lĩnh vực ưu tiên đối với Việt Nam là các thiết bị nhằm cải thiện khả năng bảo vệ an ninh hàng hải”.

“Nhiều khả năng Việt Nam sẽ mua công nghệ quân sự liên quan tới liên lạc, thiết bị cảm biến, radar và thiết bị bay không người lái, thay vì các loại vũ khí ‘khủng’”, chuyên gia về Việt Nam nói.

Hoa Kỳ trong thời gian qua đã trao cho Việt Nam chủ yếu là tàu bè để phục vụ cho công tác tuần tra biển đảo, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông.

Máy bay chiến đấu Trung Quốc trên một đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc trên một đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Hồi đáp thông tin về việc Việt Nam đặt mua thiết bị quân sự trị giá hàng chục triệu đôla của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng việc hợp tác quốc phòng với các nước là để “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Theo tiết lộ của quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên, trong số các thiết bị Hà Nội muốn mua từ Hoa Kỳ có thiết bị điện tử quân sự, công nghệ vệ tinh, thiết bị đo tầm bắn hay hệ thống điều khiển hỏa lực.

Hồi đầu năm nay, trang defensenews.com dẫn lời một quan chức giấu tên tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Hà Nội đã đặt mua máy bay trinh sát không người lái Boeing-Insitu ScanEagle.

Khi đó, VOA Việt Ngữ có đặt câu hỏi đề nghị hãng Boeing xác nhận thông tin này, nhưng tới nay vẫn không nhận được hồi đáp.

Tổng thống Trump đã chào bán "máy bay, tên lửa" khi tới Hà Nội cuối năm ngoái.
Tổng thống Trump đã chào bán "máy bay, tên lửa" khi tới Hà Nội cuối năm ngoái.

Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2017, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chào bán cả “máy bay, tên lửa” khi gặp quan chức chủ nhà.

Vài tháng trước đó, sau cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ở Nhà Trắng, hai bên đã ra thông cáo chung “hoan nghênh việc công bố các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá 8 tỉ đôla”.

“Một nhà phân tích đã sáng tạo ra cụm từ ‘ngoại giao mua sắm’”, ông Thayer nói. Khi được hỏi rằng liệu cách tiếp cận mà nhiều người cho là mang tính giao dịch của ông Trump có hiệu quả với Hà Nội hay không, giáo sư nghiên cứu về Việt Nam nói:

“Xét về một khía cạnh nào đó, đúng, cách tiếp cận theo kiểu giao dịch của ông Trump hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp Việt Nam, mua thiết bị quân sự và vũ khí từ Mỹ còn là một vấn đề nhạy cảm vì yếu tố giá thành, các vấn đề tích hợp công nghệ và vấn đề di sản của Việt Nam dựa vào vũ khí của Liên Xô/Nga”.

Một chiếc chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Một chiếc chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.

Theo một bài phân tích về quan hệ thương mại và kinh tế Việt – Mỹ, dẫn nhiều cơ quan báo chí khác nhau, Congressional Research Service, một cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, viết rằng Tổng thống Trump "muốn chứng kiến việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam là một cách thức quan trọng để giảm bớt thâm hụt thương mại giữa hai nước”, và “chính quyền của ông Trump đã nhiều lần cho thấy mối quan tâm gia tăng việc bán vũ khí cho Việt Nam” cũng như “coi đó là một ưu tiên cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội”.

Bài viết nói rằng “Việt Nam được cho là quan tâm tới việc mua máy bay chiến đấu F-16, máy bay trinh sát săn ngầm P-3C Orion và các thiết bị theo dõi và trinh sát biển”.

Cơ quan nghiên cứu phục vụ cho các nhà lập pháp cũng như các ủy ban của Quốc hội Mỹ viết rằng “trong một số trường hợp, Quốc hội có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thông qua và bác bỏ các vụ mua bán vũ khí như vậy”.

Cơ quan thuộc Thư viện Quốc hội Mỹ viết rằng “hợp đồng bán vũ khí tiềm năng cho Việt Nam cũng đã gây ra tranh cãi ở Quốc hội [Mỹ]” vì “một số người phản đối do vấn đề nhân quyền ở Việt Nam”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG