Đường dẫn truy cập

Vì sao quyền lực mềm của Mỹ suy giảm


Những người ủng hộ Tổng thống Trump tấn công Điện Capitol trong vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở Washington DC hôm 6/1. Chiến dịch bầu cử đầy sóng gió được cho là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ đã mất đi vị trí siêu cường có quyền lực mềm số 1 thế giới.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump tấn công Điện Capitol trong vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ ở Washington DC hôm 6/1. Chiến dịch bầu cử đầy sóng gió được cho là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ đã mất đi vị trí siêu cường có quyền lực mềm số 1 thế giới.

Mỹ đã mất vị trí là siêu cường có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm qua và cũng là nước tụt hạng nhanh nhất trên bảng Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu mới được công bố

Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu 2021 cho thấy tầm ảnh hưởng của Mỹ sụt giảm nhanh nhất trên toàn thế giới sau một năm được coi là “hỗn loạn trên diện rộng”, từ khủng hoảng dịch bệnh cho tới chính trị.

Giữa một chiến dịch bầu cử đầy sóng gió và sự ứng phó thiếu nhất quán đối với COVID-19, Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu về quyền lực mềm trên toàn cầu, rơi xuống vị trí thứ 6 và nhường vị trí số 1 cho Đức. Với điểm số tổng thể là 55,9 trên 100, giảm 11,2 điểm so với năm ngoái, Mỹ có sự sụt giảm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên bảng xếp hạng trong nghiên cứu được coi là bao quát nhất thế giới về giá trị thương hiệu quốc gia.

Sự lãnh đạo của Trump

Với việc cựu Tổng thống Donald Trump do dự thừa nhận quy mô và mức độ nghiêm trọng của đại dịch và bị chỉ trích ở trong lẫn ngoài nước, Mỹ xếp cuối bảng chỉ số COVID-19 trong số tất cả 105 quốc gia được đánh giá trong nghiên cứu này.

Theo nhận định của David Haigh, chủ tịch và CEO của Brand Finance – công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, sự hoành hành của virus corona trên khắp nước Mỹ cộng với việc Tổng thống Trump “chỉ trích các nhà chuyên môn y tế và đưa ra các biện pháp điều trị liều lĩnh tại nhà rất có thể là thủ phạm khiến vị thế hình mẫu lâu nay của Mỹ trên toàn thế giới suy giảm, tại thời điểm mà sự lãnh đạo toàn cầu hợp lý được cho là cần thiết nhất”.

Sự sụp đổ quyền lực mềm của Mỹ bắt đầu từ năm 2017, ngay sau khi ông Trump trở thành tổng thống.
GS Joseph Nye, Đại học Harvard


Được công bố tại hội nghị Thượng đỉnh Quyền lực mềm Toàn cầu 2021 trực tuyến từ London, Anh, do Brand Finance tổ chức hôm 25/2 với sự tham dự của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu 2021 là nghiên cứu toàn diện nhất với 75.000 người từ trên 100 quốc gia tham gia khảo sát.

Giáo sư của Đại học Harvard, Joseph Nye, người đầu tiên đưa ra khái niệm ‘quyền lực mềm’ vào cuối thập kỷ 1980 và có mặt tại thượng đỉnh hôm 25/2, nhận định rằng sự sụp đổ quyền lực mềm của Mỹ bắt đầu từ năm 2017, ngay sau khi ông Trump trở thành tổng thống.

“Quan điểm hạn hẹp của ông Trump đối với các đồng minh quốc tế, việc rút khỏi các thoả thuận toàn cầu như Hiệp định Khí hậu Paris và thiếu sự hỗ trợ cho WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã gây tổn hại đến quyền lực mềm của Mỹ trước khi COVID-19 bùng phát”, GS Nye nói.

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew, có trụ sở ở thủ đô Washington của Mỹ, đưa ra vào năm ngoái, chỉ có 29% những người tham gia trả lời từ 33 quốc gia trên thế giới tin vào ông Trump – thấp ngang với mức mức tin tưởng của quốc tế mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được. Thăm dò của Gallup tiến hành ở 134 quốc gia vào năm 2019 cũng cho thấy chỉ có khoảng 30% những người được hỏi có quan điểm tích cực về Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump.

Được định nghĩa là khả năng ảnh hưởng tới sự lựa chọn và hành vi của các quốc gia khác trên thế giới, quyền lực mềm mà một nước nào đó có được là bằng sự thu hút hoặc thuyết phục chứ không phải vì ép buộc.

Các giá trị cởi mở của xã hội dân chủ Mỹ là những nguồn đóng góp lớn nhất cho quyền lực mềm của Mỹ, theo GS Nye. Ông còn cho rằng quyền lực mềm của Mỹ “bắt rễ sâu xa hơn cả nền chính trị và các chính sách” và không chỉ đến từ sức mạnh quân sự và kinh tế. Theo nhà khoa học chính trị của Đại học Harvard, những bộ phim Hollywood trong đó tôn vinh những phụ nữ độc lập hay những người yếu thế dám đứng lên tranh đấu đã cuốn hút những khán giả từ bên ngoài nước Mỹ. Hơn nữa các công ty, các trường học, các tổ chức, nhà thờ và những phong trào biểu tình tại Mỹ cũng đã đóng góp vào quyền lực mềm của Hoa Kỳ, theo GS Nye.

“Ông Trump là tổng thống đầu tiên không đặt nặng vào các giá trị”, GS Nye nhận định. “Khi Mỹ coi trọng các giá trị sẽ khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn hơn đối với xã hội và do đó quyền lực mềm (mà Mỹ có được) đã trở nên vô song”.

‘Nước Mỹ trở lại’

Câu hỏi được đặt ra là liệu nước Mỹ có thể phục hồi được quyền lực mềm của mình hay không và theo GS Nye, câu trả lời là “có thể”.

“Trước đây chúng ta đã làm được điều đó”, giáo sư của Đại học Harvard nói và cho biết rằng vào những năm 1960, các thành phố của Hoa Kỳ chìm trong những ‘ngọn lửa’ của biểu tình sắc tộc trong khi nhiều cuộc biểu tình trên thế giới cũng nổ ra để phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Nhưng theo ông, một loạt các cải cách và những chính sách nhân quyền được Quốc hội Mỹ thông qua trong những thập niên tiếp theo “đã chứng minh sự phục hồi” của quyền lực Mỹ.

Mỹ sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để khôi phục danh tiếng của mình trong bốn năm tới.
David Miliband, Chủ tịch và CEO của IRC


Nhiều người cho rằng nước Mỹ đã mất đi hình ảnh vốn có của một nền dân chủ thượng tôn pháp luật trong cuộc bầu cử mà vị tổng thống đương nhiệm khi đó, ông Trump, cáo buộc mà không có bằng chứng về sự gian lận trong kiểm phiếu, điều mà chúng ta thường thấy ở các cuộc bầu cử của các nước dưới chế độ độc tài và không có dân chủ. Tuy nhiên, theo GS Nye, quyền lực mềm của Mỹ lại được củng cố bởi thực tế rằng nền dân chủ Mỹ đã tiến hành một cuộc bầu cử trung thực nhất ở 50 tiểu bang với một lượng cử tri tham gia bỏ phiếu kỷ lục giữa cơn đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ.

“Nếu Mỹ tiếp tục đạt được tiến bộ về vaccine và có thể kiểm soát được đại dịch, cùng với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, thì triển vọng của chúng ta sẽ tốt”, GS Nye nói. “Vì vậy, nếu dự báo về Chỉ số Quyền lực mềm Toàn cầu sẽ như thế nào trong năm tới, tôi tin rằng Mỹ sẽ quay trở lại xu hướng tăng lên”.

Tuy nhiên người đứng đầu uỷ ban hỗ trợ nhân đạo toàn cầu IRC có trụ sở ở New York, David Miliband, cảnh báo về những thách thức phía trước và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chính trực và đoàn kết nội bộ đối với quyền lực mềm.

“Ngày nay có nhiều trung tâm quyền lực hơn bao giờ hết và sự cạnh tranh tăng cao về quyền lực mềm này đồng nghĩa với việc tái tạo các thành quả trong quá khứ sẽ khó khăn hơn nhiều”, Chủ tịch và CEO của IRC nhận định tại thượng đỉnh hôm 25/2.

Theo ông Miliband, nếu một quốc gia bị chia rẽ thì việc thu hút các nước khác sẽ trở nên khó khăn hơn, và kết quả là quyền lực mềm sẽ bị ảnh hưởng.

“Về điều này, tôi nghĩ Mỹ sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để khôi phục danh tiếng của mình trong bốn năm tới,” ông Miliband nói.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 giữa Tổng thống đương nhiệm Trump và cựu Phó Tổng thống Biden, khi còn tranh cử, được coi là gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trước những cáo buộc vô căn cứ của ông Trump về “cuộc bầu cử đã bị đánh cắp” mà ông nói mình mới là “người chiến thắng”, những người ủng hộ vị tổng thống, người thường đưa ra những phát biểu gây chia rẽ, đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử, với đỉnh điểm là cuộc tấn công vào Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ nơi Thượng viện tiến hành phê chuẩn kết quả chiến thắng của ông Biden.

Nhưng sau tất cả những sóng gió đó, “nền dân chủ đã chiến thắng”, như lời Tổng thống Biden nói trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức ở thủ đô Washington hôm 20/1. “Nước Mỹ đã trở lại”, ông tuyên bố.

VOA Express

XS
SM
MD
LG