Đường dẫn truy cập

Việt Nam trong báo cáo của Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc


Máy bay chiến đấu J-10B của không lực Trung Quốc trình diễn tại tỉnh Quảng Đông.
Máy bay chiến đấu J-10B của không lực Trung Quốc trình diễn tại tỉnh Quảng Đông.

Việt Nam xuất hiện nhiều lần trong phúc trình tình báo quốc phòng của Mỹ, đánh giá về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, công bố hôm 15/1, trong đó nhận định rằng “hành động quân sự là một phần không thể thiếu trong các cuộc đàm phán ngoại giao của Trung Quốc”.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) nói rằng báo cáo dài 140 trang, có tên gọi “Sức mạnh quân sự Trung Quốc – Hiện đại hóa lực lượng để chiến đấu và giành thắng lợi”, được thực hiện nhằm “cung cấp chi tiết về các ý định, kế hoạch, chiến lược và mục tiêu quân sự cũng như quốc phòng của Trung Quốc”.

Theo phúc trình mà phóng viên VOA Việt Ngữ có trong tay, trong phần mở đầu, Trung tướng Robert P. Ashley, Jr., Giám đốc DIA, nói rằng “trong khi Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh và tự tin, các lãnh đạo của đất nước chúng ta [Mỹ] đối mặt với một Trung Quốc kiên quyết muốn có một tiếng nói lớn hơn trên toàn cầu mà đôi lúc có thể đối chọi lại các quyền lợi của Mỹ”.

Ông Ashley nói tiếp rằng “các lãnh đạo Trung Quốc có truyền thống sẵn lòng sử dụng quân lực, đôi khi là phủ đầu, đối với các mối đe dọa với chế độ của họ, cho dù là nước ngoài hay nội địa”.

Giám đốc DIA nhận định thêm rằng “việc không tham gia nhiều vào các chiến dịch quân sự trong vòng vài thập kỷ qua đã dẫn tới cảm giác bất an trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), trong khi tìm cách hiện đại hóa thành một cường quốc lớn về quân sự”.

Ông Ashley cho rằng việc Trung Quốc tranh chấp về lãnh hải với Việt Nam và một số nước khác [ở Biển Đông] và Nhật Bản [ở biển Hoa Đông] “có thể một phần nào đó lý giải cho động cơ phát triển ấn tượng của Hải quân PLA” cũng như “việc đặt trọng tâm mới về chuyện tăng cường khả năng của lực lượng chấp pháp hàng hải”.

Trung tướng Robert P. Ashley, Jr., Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.
Trung tướng Robert P. Ashley, Jr., Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

Ông cũng nhắc tới cuộc chiến biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, và nói rằng “hành động quân sự là một phần không thể thiếu trong quá trình đàm phán ngoại giao của Trung Quốc”.

“Các lãnh đạo Trung Quốc thường nói rằng chương trình hiện đại hóa quân sự lâu dài của Trung Quốc là cần thiết để đạt được vị thế cường quốc vĩ đại. Nhưng thực tế, Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng mạnh mẽ, gây chết chóc với khả năng bao trùm trên không, trên biển, trên không gian và lĩnh vực thông tin, và điều đó cho phép Trung Quốc áp đặt ý chí của mình tại khu vực”, Giám đốc DIA nói.

Tính tới tối ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng như Việt Nam chưa có phản ứng nào về phúc trình của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ.

Bắc Kinh thời gian qua đã tăng cường tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, gây quan ngại cũng như phản đối từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Phúc trình của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nói rằng “Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã mở rộng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông” và “Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc, với sự hỗ trợ của Hải quân PLA, thường quấy rối các tàu Philippines và Việt Nam trong khu vực”.

Theo thống kê của DIA, kể từ năm 2002, Việt Nam là một trong 65 nước đã nhận vũ khí của Trung Quốc. Trong danh sách khách hàng của Bắc Kinh, đáng chú ý còn có Bắc Hàn, Venezuela, Campuchia và Cuba.

Báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc nói rằng nước này “tiến hành các vụ mua bán vũ khí kết hợp với hỗ trợ phát triển và trợ giúp kinh tế nhằm thúc đẩy các muc tiêu chính sách đối ngoại lớn hơn nhằm tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, thị trường xuất khẩu cũng như thúc đẩy ảnh hưởng chính trị, nhất là với giới tinh hoa ở nước sở tại”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG