Đường dẫn truy cập

Việt Nam 'giữ vững quan điểm' về 'Bộ tứ' Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ


Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind trong lễ đón chính thức ở Hà Nội hôm 20/11.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind trong lễ đón chính thức ở Hà Nội hôm 20/11.

Giới quan sát cho rằng Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm về chính sách “ba không”, sau khi Hà Nội lên tiếng phản đối liên minh quân sự ở khu vực, khi đề cập tới việc hình thành “Bộ tứ”, còn gọi là “Quad”, gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tân Đại sứ Việt Nam ở Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, mới đây trả lời báo chí địa phương rằng Việt Nam “không muốn bất kỳ liên minh quân sự nào vì nó không có lợi cho an ninh khu vực”, nhưng “hoan nghênh bất kỳ sáng kiến nào đóng góp vào hòa bình khu vực”.

Tân Đại sứ Việt Nam tại New Delhi, ông Phạm Sanh Châu và Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind.
Tân Đại sứ Việt Nam tại New Delhi, ông Phạm Sanh Châu và Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind.

Trả lời VOA tiếng Việt, ông David Brown, cựu quan chức ngoại giao Mỹ ở Sài Gòn, nói rằng phát biểu của đại sứ Châu “không cho thấy bất kỳ sự thay đổi nào của Việt Nam”.

“Nhiều năm qua, một điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là muốn làm bạn với tất cả các nước, và vì thế, nước này sẽ không tham gia bất kỳ liên minh nào”, nhà nghiên cứu về tình hình Việt Nam nói về quan điểm “ba không” của Việt Nam là “không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia”.

Nhiều năm qua, một điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là muốn làm bạn với tất cả các nước, và vì thế, nước này sẽ không tham gia bất kỳ liên minh nào.
Chuyên gia David Brown nói.

Ông Brown nói thêm: “Nhưng nguyên tắc đó không cản trở Việt Nam tham gia sự hợp tác không chính thức với một số các nước, trong đó có tất cả bốn nước thành viên của Quad, bất cứ khi nào Hà Nội thấy cơ hội củng cố khả năng bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược”.

Tin cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2007 khởi xướng Đối thoại An ninh Bốn bên mà nhiều người hay gọi tắt là "Quad" giữa Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.

Trong khi có ý kiến cho rằng nhóm “Bộ tứ” này được hình thành nhằm kiềm tỏa sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Patrick Murphy, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ chuyên trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương mới được từ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng trích lời nói rằng liên minh này không phải là một cơ chế “tập trung vào quân sự” mà là một diễn đàn đa phương nhằm chia sẻ các giá trị và nền tảng chung giữa bốn nước.

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 20/11.
Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 20/11.

Hiện chưa rõ ông Châu đưa ra nhận định trên trong cuộc phỏng vấn riêng với báo chí Ấn Độ hay tại cuộc họp báo chung ở New Delhi nhân chuyến thăm kéo dài hai ngày của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tới Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về cuộc họp báo của ông Châu tại Ấn Độ ngày 15/11, nhưng không đề cập tới nội dung về “Bộ tứ” Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.

Tin cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2007 khởi xướng "Quad".
Tin cho hay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2007 khởi xướng "Quad".

Về hợp tác quốc phòng - an ninh giữa hai nước, ông Châu được trích lời đánh giá rằng đó là “trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện”.

Trong chuyến thăm quốc gia Đông Nam Á kết thúc hôm 20/11, ông Ram Nath Kovind cũng được trích lời nói rằng Việt Nam là “trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ".

Trong khi đó, Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tuyên bố của ông Châu rằng “quốc phòng, an ninh là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG