Đường dẫn truy cập

VN tạo cơ hội để Ấn Độ cứng rắn hơn với TQ ở trên biển


Tổng thống Ấn Đội Ram Nath Kovind (trái) gặp Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội, 20/11/2018
Tổng thống Ấn Đội Ram Nath Kovind (trái) gặp Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội, 20/11/2018

Những bước tiến trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ giúp cả hai nước chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á, trong đó có cả Biển Đông đang trong vòng tranh chấp, theo các học giả châu Á.

Quan hệ Ấn Độ-Việt Nam lại phát triển thêm trong tuần này khi Tổng thống Ấn Độ Shri Ram Nath Kovind thăm Việt Nam từ ngày 17-20/11. Ông đã gặp và hội đàm kín với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 20/11.

Chuyến thăm này thúc đẩy tình hữu lâu đời và cải thiện nhanh chóng, bắt đầu vào những năm 1970 và có bước nhảy vọt vào năm 2016 khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hiện nay, cả hai nước đều quan ngại về Trung Quốc.

Ông Sameer Lalwani, Phó Giám đốc của Chương trình Nam Á thuộc Trung tâm Stimson ở Mỹ, nói: “Trong bối cảnh hai bên cùng lo ngại về sự quyết đoán của Trung Quốc, New Delhi tìm cách tăng cường các năng lực của Hà Nội để kìm chân Trung Quốc, trong khi mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á”.

Tranh chấp Biển Đông

Việt Nam và bốn chính phủ khác phản đối toàn bộ hoặc một phần tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông.

Cùng lúc, Ấn Độ gần đây đã trở nên nhiệt tình hơn trong việc giúp Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ tuần tra các vùng biển châu Á, nơi Trung Quốc đã gây ra báo động đối với các nước khác với việc Trung Quốc bồi đắp các đảo nhỏ, trong đó một số đảo đã được sử dụng cho mục đích quân sự.

Những quốc gia này muốn Biển Đông rộng 3,5 triệu kilomet vuông hoàn toàn mở cửa cho quốc tế thay vì ngày càng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

"Tôi nghĩ Việt Nam muốn Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực Nam Á vì Việt Nam thấy Ấn Độ không được tích cực lắm trong nhóm bộ tứ, gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản", ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nói.

Ấn Độ và Việt Nam đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên ở Vịnh Bengal vào tháng 10 để tăng cường quan hệ "ở cấp độ làm việc", Press Trust of India đưa tin. Ấn Độ cũng đã dành cho Việt Nam khoản tín dụng 500 triệu đô la để mua vũ khí, và đề nghị lập một hệ thống cảnh báo Biển Đông có thể gửi dữ liệu về sóng thần cho Việt Nam.

Thăm dò dầu khí

Các nhà phân tích dự báo rằng Việt Nam và Ấn Độ sẽ sử dụng việc thăm dò nhiên liệu để củng cố vị thế của họ ở Biển Đông, kèm theo là lợi nhuận tiềm tàng.

Ấn Độ và Việt Nam vốn đã có quan hệ thương mại mạnh mẽ, trị giá 12,8 tỷ đô la trong giai đoạn 2017-2018, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết. Thương mại song phương sẽ đạt 15 tỷ đô la vào năm 2020, phó chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam nói hồi năm ngoái. Đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam khi đó là 2 tỷ đô la.

Trong bốn năm qua, các chi nhánh nước ngoài của hãng ONGC thuộc chính phủ Ấn Độ đã làm việc với Tập đoàn Thăm dò Khai thác Dầu khí PetroVietnam để tìm kiếm dầu khí ở Biển Đông. Trung Quốc có lẽ đang theo dõi một cách thận trọng, các chuyên gia nói.

"Vấn đề dầu mỏ có lẽ là một trong những chuyện chính trị hóc búa", ông Maxfield Brown, cộng sự cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại thành phố Hồ Chí Minh nhận xét. Ông nói tiếp: "Tôi chắc chắn rằng Việt Nam muốn tìm các nước sẵn sàng đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam mà cũng không sợ hãi về lời hăm dọa là hải quân Trung Quốc sẽ ra tay ngăn cản".

Hãng khoan dầu Repsol của Tây Ban Nha đã bỏ một dự án được Việt Nam phê duyệt tại Biển Đông hồi tháng 3, dường như do bị áp lực từ Trung Quốc. Việt Nam hiện đang xem xét một dự án thăm dò khí đốt trị giá 4,6 tỷ đô la với ExxonMobil, đối tác trong nước là Công ty Cổ phần CNG Vietnam cho biết. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền về lô dầu khí này.

Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Úc, nói: “Việt Nam luôn cố gắng làm cho các công ty thăm dò nhiều hơn, còn Ấn Độ đã ngần ngại với việc tiếp tục nắm các lô không hiệu quả hoặc nhận các lô ở các khu vực nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc”.

Trong khi đó, ông Mohan Malik, giáo sư về an ninh châu Á, thuộc Trung tâm Daniel K. Inouye về Nghiên cứu An ninh châu Á Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ, cho rằng Ấn Độ không tỏ ra sợ hãi tính đến nay.

"Bắc Kinh đã phản đối các hoạt động thăm dò dầu mỏ chung của Việt Nam và Ấn Độ tại Biển Đông trong gần một thập kỷ, nhưng New Delhi đã không hề suy suyển", ông Malik nói. "Thông qua các cuộc tập trận hải quân chung và các cuộc ghé thăm các cảng Việt Nam, New Delhi đang báo hiệu cho Bắc Kinh rằng việc bành trướng về hải quân đang gia tăng của Trung Quốc sẽ bị chống lại bằng hoạt động hải quân của Ấn Độ ở Biển Đông", ông nói thêm.

VOA Express

XS
SM
MD
LG