Đường dẫn truy cập

Việt Nam ghi nhận thêm ít nhất 86 ca nhiễm COVID-19


Một nhân viên y tế được tiêm vaccine AstraZeneca ở Hà Nội.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine AstraZeneca ở Hà Nội.

Bộ Y tế Việt Nam hôm 12/5 cho biết đã ghi nhận thêm ít nhất 86 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên 3.623.

Tin cho hay, 30 ca trong số đó được phát hiện chiều nay ở các khu đã cách ly tại nhiều nơi như Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Giang và Phú Thọ.

Theo Cổng thông tin chính phủ Việt Nam, kể từ ngày ghi nhận ca mắc COVID-19 do lây nhiễm cộng đồng hôm 27/4, tới nay đã xác định 610 ca nhiễm mới, nhiều nhất là tại thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.

Anh Công Quyền, người dân ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cho VOA Việt Ngữ biết rằng nơi anh sinh sống “đang thực hiện chính sách cách ly, nhà nào ở nhà đấy, hầu như không có ai ra khỏi đường” và công việc kinh doanh “dừng hết”.

Anh cho biết thêm: “Hiện tại chỗ em đang bị nhiều lắm. Ở nhà, có mẹ em là lo nghĩ nhiều nhất. Mẹ lúc nào cũng lo dịch bệnh, không đi làm ăn được, sợ nhiễm này nọ, ảnh hưởng. Mẹ em lúc nào cũng trong tình trạng lo sợ, suốt ngày cứ rình rình điện thoại với cả thời sự để xem thông báo”.

Theo Tuổi Trẻ, tính tới nay, tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận 120 ca COVID-19, trong đó riêng huyện Thuận Thành có 108 ca. Tờ nhật báo này cũng dẫn lời Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh cho biết rằng tình hình dịch bệnh ở đây “có khả năng lan rộng”.

VOA Việt Ngữ liên lạc với ông Nguyễn Chí Hành, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh, để hỏi về kế hoạch ngăn chặn dịch bệnh, nhưng ông cho biết “không được phép trả lời vì người phát ngôn của chúng tôi phải là Giám đốc sở [Tô Thị Mai Hoa]”.

VOA Việt Ngữ nhiều lần gọi cho bà Hoa, nhưng bà không nhấc máy. Mới đây, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời bà Hoa nói rằng Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn cao điểm chống dịch, tập trung toàn lực phòng chống dịch COVID-19 với tinh thần ‘chống dịch như chống giặc’, đồng thời bà cũng kêu gọi toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống ngành y đang công tác hay đã nghỉ hưu, học sinh, sinh viên ngành y... tình nguyện tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Anh Quyền cho VOA Việt Ngữ hay rằng anh đang tham gia nhóm tình nguyện của xã, chở đồ phân phát cho người dân địa phương.

Anh nói thêm: “Hiện tại, bọn em chỉ mong được trợ giúp từ bên trên. Cấp trên hỗ trợ về thực phẩm vì chỗ em giờ thực phẩm rất hiếm, không có chợ bán. Mỗi nhà có thể dự trữ được một chút thức ăn rồi nhưng mà tầm nửa tháng, một tháng chắc chắn sẽ hết mà giờ lại không buôn bán thì không mua được nữa”.

Trong khi đó, theo VnExpress, chính quyền thành phố Hà Nội đã ghi nhận 162 ca kể từ ngày 27/4, trong đó có 86 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và 13 ca ở Bệnh viện K, vốn chăm sóc và chữa trị bệnh nhân ung thư.

Ông Vũ Thanh Hà, chủ một nhà hàng ở Hà Nội, cho VOA Việt Ngữ biết rằng tình hình COVID-19 lây lan ở thủ đô đang gây tác động tới việc kinh doanh của ông.

Ông cho biết thêm: “Tất nhiên là kinh tế nó phải đi xuống rồi. Bây giờ khách khứa thì không có. [Kinh doanh] kém lắm”.

VOA Việt Ngữ đã gọi điện đến Sở Y tế Hà Nội để hỏi thông tin về kế hoạch ngăn ngừa COVID-19, và một cán bộ không muốn nêu tên vì không được giao nhiệm vụ phát ngôn cho biết rằng khi phát hiện dịch bệnh thì nhân viên của sở “tổ chức điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm” và rằng “làm ngần ấy việc, xoay vần, là đã chóng mặt rồi”.

Cổng thông tin chính phủ Việt Nam (VGP News) hôm 6/5 trích lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng “trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới” cũng như “chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất”.

Tin cho hay, trong cuộc họp chính phủ thường kỳ, “công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nội dung đầu tiên được chính phủ ưu tiên xem xét”.

Ông Chính được VGP News dẫn lời chỉ đạo “nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó, ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG