Đường dẫn truy cập

Vẫn còn động năng cho hòa đàm Afghanistan


Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai
Các nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm khởi động các cuộc hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và phe Taliban lại vấp phải một trở ngại khác trong tuần này khi nhóm nổi dậy này đóng cửa văn phòng vừa mở ở Qatar, và đổ lỗi cho Tổng thống Hamid Karzai và Washington về quyết định này. Mặc dù có tranh cãi quanh vấn đề văn phòng của Taliban, các quan sát viên hy vọng tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh 12 năm ở Afghanistan cuối cùng sẽ được nối lại.

Phe Taliban mở cửa văn phòng ở thủ đô Doha của Qatar cách đây khoảng 4 tuần để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp riêng rẽ với các nhà thương thuyết của Mỹ và Afghanistan mưu tìm việc kết thúc cuộc xung đột ở Afghanistan.
Văn phòng đóng cửa văn phòng vừa mở ở Qatar
Văn phòng đóng cửa văn phòng vừa mở ở Qatar

Nhưng vụ tranh chấp xuất phát từ buổi lễ khai mạc đã khiến nhóm nổi dậy này từ bỏ văn phòng trong tuần này và thề quyết sẽ nối lại các hành động thù nghịch ở Afghanistan.

Các quan sát viên như Kate Clark thuộc Mạng lưới Phân tích gia về Afghanistan nói rằng văn phòng của Taliban ở nước ngoài có đề nghị một cơ hội mưu tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Afghanistan. Bà nói:

“Mặc dầu chỉ có một hy vọng nhỏ nhoi, đó cũng vẫn là hy vọng và tôi nghĩ chút tin tưởng đó đã được từng bước xây dựng lên giữa các đối tác đã được thúc đẩy qua cách thức văn phòng được mở ra.”

Sau nhiều tháng tiếp xúc bí mật giữa phe Taliban và các giới chức Hoa Kỳ, nhóm chủ chiến này được phép mở văn phòng đã mong đợi từ lâu ở Doha vào ngày 18 tháng 6.

Nhưng phe Taliban gọi đó là một văn phòng của “Tiểu vương quốc Hồi giáo ở Afghanistan” là danh xưng chính thức của Afghanistan dưới thời Taliban cai trị nước này trước năm 2001. Nhóm này cũng treo lá cờ chính thức của Taliban.

Tổng thống Karzai đã phản ứng một cách giận dữ và lên án Taliban là tìm cách thành lập một chính phủ lưu vong song song. Ông đã hủy bỏ chuyến thăm đã định của các nhà thương thuyết hòa bình ông cử tới Qatar, và đáp lại đề nghị họp giữa các giới chức Hoa Kỳ và Taliban bằng cách đình chỉ các cuộc thương thuyết với Washington về một hiệp ước an ninh song phương.

Phe Taliban nhấn mạnh rằng các quyết định của họ phù hợp với các thỏa thuận mà đại diện của họ đã đạt được với các giới chức Hoa Kỳ và Qatar. Nhưng Washington bác bỏ các lời khẳng định đó và thuyết phục chính phủ chủ nhà bỏ lá cờ của Taliban cũng như biển đề tên văn phòng của họ với cố gắng xoa dịu những mối lo ngại của ông Karzai.

Chuyên gia phân tích Clark nói các đường hướng chỉ đạo cho văn phòng Taliban ở Qatar lâu nay vẫn không rõ rệt. Bà nói:

“Vẫn chưa rõ người nào, những thỏa thuận là gì, và ai đã phá vỡ các thỏa thuận nào. Nhưng rõ ràng, việc giương lá cờ Taliban đã gây ra rất nhiều sự bất mãn không chỉ riêng từ phía ông Karzai mà còn từ phía nhiều người Afghanistan. Nhưng hạ lá cờ xuống lại gây nhiều bất mãn từ phía phe Taliban.”

Mặc dầu có sự chia rẽ, một số quan sát viên nói rằng sau gần 12 năm chiến tranh, có một ước nguyện rất mạnh muốn kết thúc xung đột qua đàm phán.

Ông Said Mohammed Azam, một cựu viên chức chính phủ và là một nhà bình luận chính trị làm việc ở Kabul, tin rằng sự kiện các cuộc hoà đàm bị phá vỡ sẽ không kéo dài. Ông nhận định:

“Tôi nghĩ trong thập niên vừa qua, vụ xung đột ở Afghanistan đã đi đến một tình trạng mà tất cả các bên có liên quan đều nhìn thấy thương thuyết là đường lối duy nhất và có hiệu quả nhất để chấm dứt xung đột. Tôi cho rằng lý do vì sao văn phòng Taliban lại được khai trương ban đầu tại Doha, đó là dấu hiệu cho thấy Taliban cũng đã đi đến kết luận là không có cách nào khác hơn là hòa đàm.”

Trong một chuyến đi Kabul hồi đầu tháng này, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson cảnh báo rằng công cuộc hòa giải sẽ là một hành trình “dài và “gay go.” Bà nói:

“Tôi hy vọng rằng đó là một chỗ mấp mô trên con đường thay vì là một chỗ sửa đường lớn. Tôi hy vọng rằng mọi nguời sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc theo đuổi các cuộc đàm phán này về cả hai bên và họ sẽ xúc tiến càng sớm càng hay.”

Phe Taliban muốn mở các cuộc đàm phán “thăm dò” trực tiếp với Hoa Kỳ để thảo luận một cuộc trao đổi tù nhân, một kỳ hạn chót để binh sĩ rút ra khỏi Afghanistan và việc gạt tên của một số thủ lãnh của họ ra khỏi một danh sách “đen” của Liên Hiệp Quốc. Phe Taliban nhấn mạnh rằng các vấn đề này nằm ra ngoài thẩm quyền của chính phủ Afghanistan.

Nhưng sau vụ tranh cãi về văn phòng ở Doha, Tổng thống Karzai dường như đã cứng rắn hơn trong lập trường của mình và nay đòi phe Taliban phải mở các cuộc đàm phán ở Afghanistan để chúng “không bị ảnh hưởng của nước ngoài.”

Tuy chưa nêu đích danh nước nào, ông Karzai và các nhà lãnh đạo khác của Afghanistan lâu nay vẫn cáo buộc lân quốc Pakistan là nuôi dưỡng phe nổi dậy Taliban, và Islamabad đã bác bỏ lời cáo buộc này. Vể phần mình, các giới chức ở Pakistan tố cáo Tổng thống Karzai là gây cản trở các nỗ lực hòa bình ở Afghanistan vì sợ mất quyền hành.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Aizaz Ahmed Chaudhry nói Pakistan hy vọng sẽ đạt được tiến bộ trong việc khắc phục các thách thức mà tiến trình Doha vấp phải. Ông cho biết:

“Và đó là lý do vì sao Pakistan vẫn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải kiên nhẫn và quyết tâm trong việc theo đuổi tiến trình hòa giải. Chúng tôi vẫn luôn nói rằng tất cả những ai dự phần vào tiến trình hòa bình Afghanistan sẽ phải tham gia một cách xây dựng trong tiến tiến trình hòa giải.”

Giới hữu trách Pakistan đã gợi ý rằng họ đã đóng một vai trò trong việc tạo điều kiện cho việc mở cửa văn phòng Taliban ở Doha nhưng chưa nói rõ chi tiết.

Sự thừa nhận này đã làm tăng những mối nghi ngờ rằng Islamabad duy trì các mối liên hệ chặt chẽ với phe nổi dậy ở Afghanistan mà theo lời cáo buộc là để gây ảnh hưởng đến các diễn biến ở Afghanistan sau khi các binh sĩ tác chiến nước ngoài ra đi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG