Đường dẫn truy cập

Vụ Đồng Tâm: VKS đề nghị 2 án tử hình, các bị cáo tố cáo trạng ‘sai sự thật’, bị bức cung


Các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm vào ngày 8/9/2020.
Các bị cáo trong phiên xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm vào ngày 8/9/2020.

Trong một động thái mà rất nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam cho là “vội vã”, Viện Kiểm sát ngay trong ngày 8/9 - ngày xét xử thứ hai vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm - đã đề nghị 2 bản án tử hình cho 2 con trai của ông Lê Đình Kình (cụ Kình) cùng với các án tù nặng nề cho 27 người dân Đồng Tâm còn lại.

Hai người bị đề nghị án tử hình là ông Lê Đình Công, 56 tuổi, và ông Lê Đình Chức, 40 tuổi, con trai của ông Lê Đình Kình, người đại diện cho dân làng ở Đồng Tâm và đã thiệt mạng trong vụ xung đột vào rạng sáng 9/1 giữa lực lượng chính quyền và người dân.

Hai ông Công, Chức và 4 người khác bị cáo buộc tội danh “Giết người”. Trong đó, ông Lê Đình Doanh – cháu nội ông Kình – bị đề nghị án Chung thân, ông Bùi Viết Hiểu bị đề nghị 16 – 18 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến , 16 – 18 năm tù, Nguyễn Văn Tuyển, 14 – 16 năm tù.

Những người còn lại, hầu hết là con cháu ông Kình, bị đề nghị mức án từ mức án treo cho đến 6 – 7 năm tù về tội Chống người thi hành công vụ.

Các mức án đề nghị nặng nề trên ngay lập tức tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng cơ quan chức năng của Việt Nam đã quá “vội vã” đi đến kết luận trong khi còn quá nhiều chi tiết quan trọng trong vụ án chưa được điều tra rõ ràng và không có chứng cứ thuyết phục.

Nhà báo nổi tiếng Osin Huy Đức viết trên trang Facebook cá nhân rằng “Nếu, vụ án được nhìn nhận một cách khách quan, phải có điều tra độc lập để xem xét tính hợp pháp của việc đang đêm ‘xâm phạm chỗ ở’ của các công dân Đồng Tâm, thì mới có thể đánh giá các hành vi tiếp theo là phạm tội hay không phạm tội”.

TS. Nguyễn Quang A – nhà hoạt động vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam – đề nghị “phải huỷ phiên toà và điều tra sự phạm pháp của công an”.

Trong khi đó, các luật sư tham gia bào chữa như LS. Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Nguyễn Văn Miếng, Nguyễn Hà Luân… cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ vụ án, và liên tục đưa ra các dữ kiện cho thấy có quá nhiều “vấn đề” về chứng cứ, lời khai, quá trình điều tra và thủ tục tố tụng.

Biên bản phiên toà chiều ngày 1 (07/9/2020) và sáng ngày 2 (08/9/2020) mà LS. Ngô Anh Tuấn công bố cho thấy hầu hết các bị cáo, mặc dù được cách ly khỏi các bị cáo liên quan khác, nhưng khi được hỏi về bản cáo trạng đều cho rằng nó “không đúng” hay “sai sự thật”.

Theo tường thuật của LS. Đặng Đình Mạnh, khi ông đặt câu hỏi chung cho toàn bộ 29 bị cáo rằng “Nếu những ai CÓ bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì ngồi yên. Nếu những ai KHÔNG bị tra tấn trong giai đoạn điều tra thì vui lòng giơ tay”, thì chỉ có 10 cánh tay giơ lên, còn lại 19 người không giơ tay.

“Có lẽ, họ có nhiều điều muốn nói hơn là cái giơ tay”, LS. Mạnh viết trên trang Facebook.

Vụ xung đột vào đêm và rạng sáng 9/1 xảy ra khi lực lượng chức năng với hàng ngàn người ập vào khu vực Đồng Tâm với lý do “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn. Vụ bố ráp khiến ông Lê Đình Kình và 3 công an thiệt mạng.

Nhà chức trách cáo buộc người dân Đồng Tâm đã lập kế hoạch “tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng công an”. Trong khi đó, theo ghi nhận từ các luật sư, các bị cáo trong phiên toà ngày 8/9 đều khai họ chỉ “bảo vệ đất đai” và phòng vệ trong tình huống chính bản thân và người thân gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ bố ráp.

Kể từ khi xảy ra vụ xung đột chết người, rất nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ yêu cầu nhà chức trách Việt Nam cho phép tiến hành điều tra độc lập vụ án, nhưng cho đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được đáp ứng.

Trong khi đó, báo Quân Đội Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam – chỉ trích “âm mưu quốc tế hoá” vụ việc Đồng Tâm của “các thế lực thù địch và kẻ xấu” nhằm “hướng lái dư luận quốc tế”.

Hiện một bản kiến nghị trên mạng xã hội gửi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam để yêu cầu “bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu một cách đặc biệt” đã thu hút chữ ký của 6 tổ chức và 326 cá nhân tính đến ngày 9/9.

Kiến nghị cũng yêu cầu nhà chức trách tạm ngưng xử vụ án và cử người của Quốc hội giám sát toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử, đồng thời làm rõ cái chết của ông Lê Đình Kình và mở vụ án độc lập điều tra về cái chết của ông Kình cũng như việc “mưu sát không thành ông Bùi Viết Hiểu” nếu cần thiết.

Kiến nghị cho hay ông Bùi Viết Hiểu nói ông đã chứng kiến một cảnh sát bắn chết ông Lê Đình Kình từ phía trước và bản thân ông cũng bị bắn 2 phát vào tim và chân, nhưng viên đạn trượt xuống sườn nên ông thoát chết.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 7/9 bày tỏ quan ngại về những “vi phạm thủ tục tố tụng’ trong phiên xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm.

Tổ chức này kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép các nhà quan sát quốc tế độc lập, gồm giới ngoại giao, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự theo dõi phiên toà xử .

Tuy nhiên, theo LS. Nguyễn Văn Miếng, an ninh phiên toà được thắt chặt và “không một thân nhân bị cáo nào được tham dự phiên toà, kể cả vợ cụ Lê Đình Kình”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG