Đường dẫn truy cập

Vụ án Đồng Tâm và hai… ông Trọng, hai… đảng!


Ông Lê Đình Kình. Photo Đong Tam TV
Ông Lê Đình Kình. Photo Đong Tam TV

Hôm nay - 7 tháng 9, hệ thống tư pháp tại Việt Nam tiến hành xét xử theo trình tự sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Vụ án mà trước nay, dân chúng Việt Nam vẫn gọi là “vụ án Đồng Tâm” (1),…

Suốt tám tháng vừa qua, “vụ án Đồng Tâm” đã trở thành một trong những đề tài nóng nhất ở Việt Nam. Thiên hạ đã mổ xẻ từ nguyên nhân, diễn biến đến cách thức tiến hành tố tụng hết sức kỳ quái của hệ thống tư pháp (2), cho dù Việt Nam có… Luật Tố tụng hình sự và Liên đoàn Luật sư từng phải kiến nghị điều chỉnh cho bớt… kỳ(3)!..

Tuy nhiên, bài này không bàn đến những yếu tố vừa đề cập, mà chỉ nêu thắc mắc, qua “vụ án Đồng Tâm”: Tại sao lại có đến hai… ông Trọng và hai… đảng, cả trong quản trị, điều hành quốc gia lẫn xử lý những vấn đề liên quan đến đảng viên? Lẽ nào ông Trọng và đảng có thể thản nhiên… phân thân như thế?

***

Hôm 6 tháng 9, tạp chí Luật khoa đăng “Đến cuối đời, chồng tôi vẫn tin vào Đảng” của May khiến rất nhiều người đọc ngậm ngùi, thương cảm (4). Chẳng ai bắt ông Trọng và đảng phải tin tâm sự của vợ con cụ Lê Đình Kình nhưng chuyện cụ Kình có “Huy hiệu 55 năm tuổi đảng” thì chẳng ai bịa ra được.

Xét về giá trị, chắc chắn “Huy hiệu 55 năm tuổi đảng” của cụ Kình hơn hẳn “Huy hiệu 50 năm tuổi đảng” mà đảng từng tổ chức trao tặng một cách long trọng cho ông Lê Thanh Hải (5), bất chấp phản ứng của công chúng về thảm nạn Thủ Thiêm. Hay “Huy hiệu 40 năm tuổi đảng” mà đảng cũng từng long trọng trao tặng ông Nguyễn Bắc Son (6), bất kể “điều ra, tiếng vào” về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.

So cách đảng đối xử với cụ Kình và ông Hải, ông Son cũng như nhiều ông khác cùng loại với hai ông này, câu đầu tiên cần hỏi là vì sao tuổi đảng dày hơn lại bị khinh miệt, ngược đãi tàn tệ hơn? Phải chăng vì cụ Kình theo sát dân ý, thu phục được nhân tâm và ông Hải, ông Son cũng như nhiều ông khác thì không?

Có một ông Trọng và một đảng liên tục kêu gọi dân chúng tin yêu, tín nhiệm mình và một ông Trọng, một đảng khác, xem việc đảng viên nào đó được dân chúng tin yêu, tín nhiệm là kẻ thù cho lợi ích toàn diện, tuyệt đối của mình, thành ra phải tiêu diệt, bất kể đạo lý, bất chấp “pháp quyền XHCN”.

Thật ra, cụ Lê Đình Kình chỉ là ví dụ mới nhất. Trước cụ đã có vô số ví dụ và câu chuyện về ông Trần Độ là một ví dụ nổi tiếng, minh họa cho hai… ông Tổng Bí thư, hai… đảng, nếu có đảng viên nào đó nói và làm những điều hợp lý được dân chúng tán thưởng nhưng nguy hại cho lợi ích toàn diện, tuyệt đối của riêng đảng.

Nếu đã từng có một Trần Độ (Ủy viên BCH TƯ đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trung tướng quân đội) chỉ vì khuyến cáo đảng nên từ bỏ cơ chế lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của quốc hội, chính phủ mà bị đày đọa, cô lập, đến lúc chết, đảng vẫn chưa tha, cấm đồng đội, đồng chí, kể cả những công thần như ông Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự thương tiếc (6) thì chuyện cụ Kình phải chết thảm, gia đình phải tan nát như đã thấy là hoàn toàn phù hợp với… tư duy và cách hành xử của đảng.

Với lối tư duy và cách hành xử ấy, có một ông Trọng và một đảng cam kết “tự chỉnh đốn”, “chống tham nhũng, lãng phí không chấp nhận ngoại lệ, không có vùng cấm”, song hành với một ông Trọng và một đảng khác liên tục bày tỏ sự “đau xót” khi xử lý “tham quan, ô lại” và luôn miệng phân bua “không thể không làm” như một cách trấn an những đồng chí còn lại (7).

Tuy nhiên ngay cả “đau xót” thì ông Trọng thứ… hai và đảng… thứ hai cũng không cùng hướng với nhân tâm, dân ý. Chưa có ông Trọng… nào và đảng… nào chia sẻ sự “đau xót” về “vụ án Đồng Tâm”, về việc một đảng viên là “lão thành cách mạng” như cụ Kình thảm tử giống như nhiều triệu người Việt đã bày tỏ suốt thời gian vừa qua. Tương tự, cứ ngẫm mà xem đã có ông Trọng… nào và đảng… nào bày tỏ sự “đau xót” trước đủ loại thảm nạn, thảm cảnh đã và đang diễn ra hàng ngày trên khắp Việt Nam.

Lòng nhân ái và khoan dung của cả hai… ông Trọng, hai… đảng chỉ dành cho những đồng đảng giống mình chứ không phải những… đồng chí hành xử theo nhân tâm, dân ý như cụ Kình. Cụ Kình chết oan nhưng không chết uổng! 29 bị cáo vừa được áp giải đến Tòa án thành phố Hà Nội để hệ thống tư pháp XHCN tại Việt Nam xét xử, dẫu bị cáo buộc oan cũng không uổng. Những vụ án như “vụ án Đồng Tâm” sẽ xé toạc mọi thứ màn giúp phơi bày bản chất thực của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện tại.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/xet-xu-vu-an-giet-nguoi-chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-tai-dong-tam-20200907080036202.htm

(2) https://baotiengdan.com/2020/09/04/kien-nghi-cua-nhom-luat-su-dong-tam/

(3) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/lien-doan-luat-su-kien-nghi-lien-quan-vu-giet-nguoi-o-dong-tam-652058.html

(4) https://nld.com.vn/chinh-tri/ong-le-thanh-hai-nhan-huy-hieu-50-nam-tuoi-dang-20180515132441123.htm

(5) https://infonet.vietnamnet.vn/thoi-su/bo-truong-nguyen-bac-son-nhan-huy-hieu-40-nam-tuoi-dang-91078.html

(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Độ

(7) http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ky-luat-can-bo-that-dau-xot-nhung-khong-the-khong-lam-539104.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG