Đường dẫn truy cập

Tướng công an nói cụ Kình là … ‘cường hào, địa chủ mới’


Ông Nguyễn Tường Thụy (phải) trong một lần đến thăm cụ Lê Đình Kình hồi 2018. (Hình: RFA)
Ông Nguyễn Tường Thụy (phải) trong một lần đến thăm cụ Lê Đình Kình hồi 2018. (Hình: RFA)

Nếu theo dõi phản ứng của công chúng trên mạng xã hội đối với sự kiện hệ thống tư pháp Việt Nam đem 29 cư dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội ra xét xử vì “giết người” và “chống người thi hành công vụ” (vụ án Đồng Tâm), có thể thấy nỗ lực “răn đe, giáo dục” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không đạt mục tiêu mà còn phản tác dụng!

Một trong những người góp phần đáng kể vào việc vô hiệu hóa nỗ lực “răn đe, giáo dục” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam là… Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên của Bộ Công an Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trước khi hệ thống tư pháp xét xử “vụ án Đồng Tâm”, tướng Xô đã khuấy động dư luận bằng nhận định: Lê Đình Kình là một loại “cường hào, địa chủ mới”, hậu quả sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước (1)!..

***

Bởi tướng Xô là người Việt nên không thể bảo rằng ông không rành tiếng Việt. Trong tiếng Việt, cường hào thường được dùng để chỉ những kẻ ỷ thế, cậy quyền hành xử vô pháp, vô luân. Trong phiên xử sơ thẩm “vụ án Đồng Tâm” diễn ra sau khi tướng Xô đề cập đến sự xuất hiện của một loại “cường hào, địa chủ mới”, thiên hạ tận mắt mục kích, chẳng những thường dân mà ngay cả thân nhân của các bị cáo cũng bị ngăn chặn, không được dự khán phiên xử sơ thẩm như qui định về… “xét xử công khai” trong Luật Tố tụng Hình sự, thậm chí các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng bị cấm tiếp xúc với thân chủ của họ (2), bất kể đó là quyền đã được luật pháp minh định.

So với cụ Kình, mức độ cường bạo của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vượt xa, hơn hẳn, kể cả khi hệ thống tư pháp XHCN nhân danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử 29 công dân bị cáo buộc là vi phạm pháp luật. Trong “vụ án Đồng Tâm”, đó không phải là lần đầu tiên hệ thống tư pháp XHCN hành xử táo tợn, ngông cuồng hơn cả “cường hào” – cưỡng hiếp luật pháp XHCN giữa thanh thiên bạch, nhật. Cách nay ba tháng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam từng phải soạn – gửi một văn bản, đề nghị Viện Kiểm sát Hà Nội thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng, tạo điều kiện cho các luật sư sớm tiếp cận, sao chụp hồ sơ vụ án, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội (3)

Tuy nhiên, đọc Kiến nghị của 13 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong “vụ án Đồng Tâm” gửi các cơ quan tiến hành tố tụng trước thời điểm “vụ án Đồng Tâm” được xét xử một tuần (4), thiên hạ chỉ thấy tính chất, mức độ cường bạo gia tăng mạnh hơn chứ không hề giảm! Tướng Xô không nhắc, hẳn người ta đã quên hai chữ “cường hào” để so sánh và nhận định giữa xưa với nay!

***

Xưa, không phải tự nhiên mà “cường hào” sánh vai với “địa chủ”. Nay thì sao? “Địa chủ” ngày xưa là những cá nhân có khả năng tích tụ ruộng đất bằng nhiều cách, cả lương thiện lẫn bất chính rồi phát canh thu tô. Cuộc “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” do những người cộng sản vận động thực hiện hồi thập niên 1950 tại Việt Nam đã “đào tận gốc, trốc tận rễ” giới “địa chủ”.

Tuy nhiên sau “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”, khi đưa Việt Nam bước vào “kỷ nguyên mới” - cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản đã mang mục tiêu mà họ từng đề ra để vận động dân chúng tham gia “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” - đem ruộng đất trao cho nông dân, thực hiện quyền tự do dân chủ, xây dựng chế độ cộng hoà dân chủ, mở đường cho xã hội phát triển của “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” - vứt vào sọt rác.

Chẳng rõ vô tình hay cố ý mà nhân “vụ án Đồng Tâm”, tướng Xô khơi lại ký ức về “địa chủ”. Cứ đem câu chuyện về cụ Kình so với những gì đảng từng kể về “địa chủ” ắt sẽ thấy, ví cụ Kình như “địa chủ” là hết sức vô lối song sự vô lối này… hữu ích. Sự vô lối trong nhận định của tướng Xô chỉ ra chính “đảng ta” là tầng lớp “địa chủ mới”. Trước thập niên 1950, tuy “địa chủ” nhan nhản khắp nơi nhưng tầng lớp “địa chủ” này không thâu tóm đất đai càn rỡ và tàn bạo như “đảng ta”.

Không có “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” sẽ không có “địa chủ mới”, dùng hiến pháp biến “đất đai thành sở hữu toàn dân” để “xây dựng xã hội XHCN”, không có những thảm án kiểu như “vụ án Đồng Tâm” mà hệ thống tư pháp Việt Nam đang xét xử, xã hội Việt Nam không có sự xuất hiện của một tầng lớp mới mà người Việt vẫn gọi là “dân oan” vật vã kêu đòi công lý. Trước thập niên 1950, dưới các chính quyền quân chủ chuyên chế hay thuộc Pháp, Việt Nam không có những đoàn “dân oan” từ khắp mọi nơi dắt díu nhau về Hà Nội, đến Sài Gòn, sống vạ vật trong cảnh “màn Trời, chiếu đất” từ năm này qua năm khác như người Việt đã và đang thấy trong vài thập niên gần đây.

***

Nhìn một cách tổng quát, tướng Tô Ân Xô không chỉ có công lay động nhận thức của đám đông về “cường hào, địa chủ mới” – sản phẩm của “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân”. Rất khó tin rằng một ông tướng từng khoác áo Đặc phái viên của TTXVN tại Mỹ trong nhiều năm, sau đó là Đại diện Lãnh sự quán Việt Nam ở Houston, Texas, Mỹ lại hồ đồ đến bất cẩn như vậy!

Có thể tướng Xô đang dùng sự nghiệp của chính ông để gửi một thông điệp nhằm giúp mọi người đề cao cảnh giác, chẳng hạn: Đặc phái viên của TTXVN tại nước ngoài có thể là những sĩ quan an ninh, hoạt động nghề nghiệp chính là thu thập thông tin về những công dân quốc gia sở tại gốc Việt, cho nên thôi hoạt động báo chí, quay về Việt Nam là lập tức cởi bỏ xiêm y khoác cảnh phục với lon… tướng như… tướng Xô.

Trước khi quay về Việt Nam, tướng Xô từng chuyển từ lĩnh vực truyền thông (Đặc phái viên TTXVN) sang lĩnh vực ngoại giao (Đại diện Lãnh sự quán Việt Nam ở Houston, Texas, Mỹ) – đảm nhận vai trò thiết lập cầu nối và thắt chặt quan hệ giữa “đảng ta” với kiều bào trong một thời gian ngắn. Hồi đó, tướng Xô từng nói rất nhiều về “khép lại quá khứ, hướng về tương lai” để “hòa hợp, hòa giải”…

Đối chiếu những tuyên bố, phát biểu mang màu sắc… ngoại giao của “đồng chí” Xô hồi đó với những nhận định của tướng Xô về cụ Kình, về “vụ án Đồng Tâm” như mới thấy, hẳn sẽ nhận ra ngay sự khác biệt như khác biệt giữa Trời và… vực. Chẳng lẽ tướng Xô muốn nhắn: Đừng nghe, hãy nhìn vì chỉ nghe mà tin như người Việt đã từng tin vào “cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” thì không khác gì lao thẳng xuống vực?

Chú thích

(1) http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Thieu-tuong-To-An-Xo-noi-ve-vu-an-Dong-Tam/406964.vgp

(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10217436663459740&id=1569759542

(3) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/lien-doan-luat-su-kien-nghi-lien-quan-vu-giet-nguoi-o-dong-tam-652058.html

(4) https://baotiengdan.com/2020/09/04/kien-nghi-cua-nhom-luat-su-dong-tam/

(5) https://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/NguyenTanDung-US-trip/Vietnamese-PM-in-Texas-feed-from-Houston-HVy-06262008121203.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG