Đường dẫn truy cập

Giới chức Mỹ ‘ít quan ngại hơn’ về tham nhũng trong giao nhận con nuôi Việt


Giới chức Mỹ ‘ít quan ngại hơn’ về tham nhũng trong giao nhận con nuôi Việt
Giới chức Mỹ ‘ít quan ngại hơn’ về tham nhũng trong giao nhận con nuôi Việt

Thưa quý vị, Hoa Kỳ mới đây ngỏ ý muốn tiếp tục thực thi thỏa thuận con nuôi với Việt Nam, sau khi đình chỉ lĩnh vực hợp tác này năm 2008 vì phát hiện ‘các hồ sơ xin con nuôi bị làm sai lệch do tham nhũng cùng sự yếu kém của hệ thống quản lý’. Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ, Đại sứ Susan Jacobs, Cố vấn đặc biệt của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton về các vấn đề liên quan tới trẻ em, cho biết, Washington có thể sẽ nối lại hoạt động giao nhận con nuôi với Hà Nội ‘trong năm nay’. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi với bà Jacobs trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.

VOA: Trên trang Twitter hôm 23 tháng Ba vừa qua, bà tweet rằng, xin trích, ‘Hôm nay tôi có cơ hội tới thăm các trại trẻ mồ côi ở Đà Nẵng. Tôi đã tận mắt chứng kiến công tác phúc lợi xã hội dành cho trẻ em ở Việt Nam’. Từ những gì thấy được, bà đánh giá ra sao về vấn đề bảo vệ trẻ nhỏ tại đó, thưa bà?

Đại sứ Susan Jacobs: Tôi phải nói rằng các trại trẻ mồ côi của nhà nước đã thực sự gây ấn tượng đối với tôi. Họ đã làm việc tốt, chăm sóc các trẻ em cần được quan tâm đặc biệt, cho dù thiếu thốn tài chính.

Cụ thể, tôi rất cảm kích khi đến thăm một trung tâm dành cho trẻ mồ côi ở Hội An. Tại đây, họ thực sự nỗ lực để giáo dục và khuyến khích các em tham gia các hoạt động nhằm đảm bảo rằng sau này các em có một cuộc sống tốt đẹp nhất.

VOA: Hồi cuối năm ngoái, bà cũng viết trên trang Twitter rằng, xin trích, ‘Tôi hoan nghênh Việt Nam gia nhập Công ước Quốc tế La Hague về Con nuôi. Hy vọng có thêm nhiều nước khác sẽ tiếp bước’. Động thái đó của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

Đại sứ Susan Jacobs: Tôi nghĩ là rất quan trọng. Nó cho thấy Việt Nam muốn hoạt động theo một cơ chế quốc tế với các tiêu chuẩn và quy trình cho việc giao nhận con nuôi, giúp cho tiến trình này trở nên minh bạch và cởi mở hơn hẳn.

Chúng tôi hài lòng vì Việt Nam đã gia nhập Công ước Quốc tế La Hague về Con nuôi, và mong chờ được chào đón nước này trở thành đối tác của chúng tôi, chừng nào họ thực thi các luật lệ cần thiết.

Bà Jacobs cho biết Washington có thể sẽ nối lại hoạt động giao nhận con nuôi với Hà Nội ‘trong năm nay’.
Bà Jacobs cho biết Washington có thể sẽ nối lại hoạt động giao nhận con nuôi với Hà Nội ‘trong năm nay’.

VOA: Thưa bà, trong cuộc phỏng vấn với Ban Việt Ngữ, Đài VOA, năm ngoái, Bà E.J. Graff, Phó Giám đốc đồng thời là nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Báo chí Điều tra Schuster thuộc Đại học Brandeis của Hoa Kỳ cho biết, cuộc điều tra độc quyền dựa trên hàng trăm tài liệu có được nhờ Đạo luật Tự do Thông tin mà cơ quan bà tiến hành cho thấy, nhiều người từ cơ quan quản lý vấn đề giao nhận con nuôi, các trung tâm trẻ mồ côi, bệnh viện, giới chức chính phủ Việt Nam đã ‘hưởng lợi’ từ các vụ giao nhận con nuôi ‘không minh bạch’ cho các công dân Mỹ vốn không mảy may nghi ngờ về các tiêu cực. Bà có nêu lên các vấn đề này trong các cuộc thảo luận với giới chức Việt Nam không?

Đại sứ Susan Jacobs: Chúng tôi từng trình bày những vấn đề đó. Họ biết các quan ngại của chúng tôi. Chính bởi lẽ đó, chúng tôi đã ngưng thực thi các thỏa thuận song phương (về giao nhận con nuôi) với phía Việt Nam. Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất nêu lên các quan ngại kiểu như vậy.

Giới chức Việt Nam hiểu rõ điều chúng tôi lo ngại cũng như những vấn đề tồn tại trong hệ thống trước đây. Đó là một trong các lý do giải thích việc họ quyết định ngưng giao nhận con nuôi theo cách cũ, và tiến hành đào tạo nhân lực theo cách thức đúng nhất, tham gia Công ước Quốc tế La Hague về Con nuôi nhằm đảm bảo rằng tiến trình đó không còn tồn tại yếu tố tham nhũng.

VOA: Sau khi lắng nghe phản hồi từ phía Hà Nội, bà còn quan ngại không, thưa bà?

Đại sứ Susan Jacobs: Tôi ít quan ngại hơn trước. Nhưng tôi vẫn muốn biết các tiêu chuẩn sẽ được sử dụng để đánh giá và công nhận các tổ chức giao nhận con nuôi, cũng như hệ thống tính phí.

Tôi chờ nhận được các thông tin đó, rồi đại sứ quán Hoa Kỳ và các cơ quan chức năng sẽ xem xét và thẩm định chúng.

VOA: Bà muốn nói gì với những ông bố bà mẹ Mỹ nóng lòng muốn nhận con nuôi Việt Nam kể từ khi Hoa Kỳ ngưng thỏa thuận song phương với Hà Nội?

Đại sứ Susan Jacobs: Tôi nghĩ họ nên gắng đợi cho tới khi nào tất cả các luật lệ (về việc giao nhận con nuôi) có hiệu lực ở Việt Nam, cũng như nắm rõ các tiêu chuẩn của mình. Nếu mọi chuyện thuận lợi, tôi nghĩ rằng việc giao nhận con nuôi từ Việt Nam sẽ tái tục.

Nhưng như tôi đã nói, mọi chuyện không thể vội vàng. Cần phải có các thủ tục cần thiết. Chúng tôi phải đảm bảo rằng hệ thống không còn kẽ hở cho tham nhũng, và rằng việc giao nhận con nuôi hướng vào các trẻ nhỏ cần được quan tâm đặc biệt, những trẻ em không có cơ hội tìm được một mái nhà ở Việt Nam.

VOA: Như vậy là việc giao nhận con nuôi giữa Việt Nam – Hoa Kỳ có thể sớm tái tục trong tương lai gần, thưa bà?

Đại sứ Susan Jacobs: Tôi nghĩ là tại một thời điểm nào đó trong năm nay.

Mời quý vị đọc thêm:

Các tài liệu hé lộ cuộc khủng hoảng con nuôi Việt – Mỹ

Tổ chức Mỹ mang 'Ngôi nhà yêu thương' tới trẻ em Việt Nam

Xin cám ơn Đại sứ Susan Jacobs. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ do Nguyễn Trung phụ trách, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Quý vị có thể bình luận về bài phỏng vấn này cũng như đọc các tin tức mới nhất, xem các phóng sự video, bình luận, trao đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ www.voatiengviet.com cũng như trên các trang web xã hội Facebook, Twitter và Yahoo 360 độ plus. Nguyễn Trung xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG