Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ, Ấn Ðộ tăng cường quan hệ song phương


Hoa Kỳ và Ấn Độ đã kết thúc hội nghị Đối thoại Chiến lược tại Washington hôm 4 tháng 6 vừa qua, với cam kết là sẽ tăng cường hợp tác trong các lãnh vực chống khủng bố và thương mại trong lúc đương đầu với những thách thức toàn cầu. Một số các nhà phân tích, như cựu Đại sứ Ấn Độ tại Hoa Kỳ Lalit Mansingh, cho rằng cuộc Đối thoại Chiến lược Ấn-Mỹ lần thứ nhất đã góp phần loại bỏ những mối nghi ngờ về cam kết của Tổng thống Obama đối với mối quan hệ chiến lược giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Jim Stevenson của đài VOA.

Ông Lalit Mansingh, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở New Dehli, từng giữ chức Đại sứ Ấn Độ tại Washington. Ông cho rằng các cuộc thảo luận cấp cao mới đây giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ đã góp phần tăng cường các mối liên hệ giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới và loại bỏ sự hoài nghi về cam kết của Tổng thống Obama đối với mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ.

Ông Mansingh cho biết Washington và New Dehli có những cách thức tiếp cận khác nhau đối với cuộc đối thoại đầu tiên diễn ra vào năm 2000, là năm cuối của nhiệm kỳ thứ nhì của Tổng thống Bill Clinton.

Ông Mansingh nói: "Người Mỹ luôn luôn nhìn tới một tương lai xa. Mà chúng tôi lúc đó lại chỉ quan tâm tới những vấn đề ngay trước mắt. Cho nên vấn đề khó khăn lớn của lúc đó là những biện pháp chế tài Ấn Độ và sự kiện là Hoa Kỳ không muốn thảo luận về công cuộc hợp tác trong lãnh vực hạt nhân dân sự."

Bà Teresita Schaffer là giám đốc Chương trình Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế ở Washington. Bà không tán đồng ý kiến cho rằng người Mỹ thường nhìn tới một tương lai xa, nhưng bà cho biết rằng trọng tâm của Ấn Độ trong những cuộc thảo luận trước đây với Hoa Kỳ là những vấn đề giữa hai nước.

Bà Schaffer cho biết: "Cả Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ, vì những lý do có phần khác nhau, đã không thể nhìn quá xa vào tương lai. Cả hai đều là những quốc gia dân chủ, và điều này có nghĩa là hệ thống của chúng ta có xu hướng làm chúng ta phải loay hoay với những vấn đề ngắn hạn. Nhưng quả thật là trong quá khứ Ấn Độ đã có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các vấn đề song phương, những vấn đề mà chỉ có Ấn Độ và Hoa Kỳ làm chung với nhau."

Các vấn đề an ninh đã chiếm lĩnh hầu như toàn bộ nghị trình làm việc của Hoa Kỳ sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Và Đại sứ Mansingh cho biết các biện pháp chế tài Ấn Độ được áp dụng sau vụ thử nghiệm hạt nhân năm 1998 đã chi phối các cuộc thảo luận giữa đôi bên dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Mansingh nói rằng cuộc đối thoại chỉ chuyển hướng để thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau sau khi ông Obama lên nắm quyền.

Ông Mansingh nói: "Ông Obama nhìn mối quan hệ này từ một khía cạnh rộng lớn hơn nhiều. Đây là một định nghĩa mới về đối tác hợp tác chiến lược."

Đại sứ Mansingh cho biết định nghĩa mới này bao gồm một đường hướng tiếp cận đồng nhất hơn đối với các vấn đề chung.

Ông Mansingh nói tiếp: "Hai nước đã bắt đầu chấp nhận tầm nhìn của phía bên kia. Ấn Độ nhận thức được rằng đây là một tình bạn sẽ giúp cho Ấn Độ trở thành một cường quốc thế giới, có ích cho Ấn Độ thoát khỏi tình trạng nghèo túng và thu hút đầu tư và kỹ thuật. Hoa Kỳ cũng hiểu được tầm quan trọng của những vấn đề ngắn hạn khi xét tới những diễn tiến ở Pakistan, Afghanistan và Iran, những vấn đề cấp thiết cần phải chú tâm giải quyết."

Trước khi diễn ra hộïi nghị Đối thoại Chiến lược, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã thực hiện 18 cuộc đối thoại riêng rẽ. Tuy hộïi nghị mới đây ở Washington không có mục đích thay thế hay gộp chung những cuộc thảo luận trước đó, Đại sứ Singh cho rằng cuộc Đối thoại Chiến lược là một tiến bộ lớn.

Ðại sứ Mansingh nhận xét: "Tôi nghĩ rằng đây là sự tiến hóa tự nhiên. Nó không phải là một nỗ lực có ý thức để thay thế một chương trình này bằng một chương trình khác mà là một sự liên tục. Và đây chính là điều đặc biệt của mối quan hệ này. Nó đã bắt đầu với ông Bill Clinton trong năm cuối của ông ấy ở Tòa Bạch Ốc. Nó tiếp tục dưới thời ông George W. Bush. Và giờ đây ông Obama đang đưa nó tiến về phía trước."

Cuộc Đối thoại Chiến lược đã bàn luận về nhiều vấn đề khác nhau, với hai vấn đề hàng đầu là chống khủng bố và hợp tác hạt nhân. Những vấn đề liên quan tới các nước vùng Nam Á, nổi bật là Pakistan và Afghanistan, cũng được đặt cao trong nghị trình. Đại sứ Mansingh nhận xét như sau về kết quả của hộïi nghị này.

Ông Mansingh nói: "Tôi thất vọng về việc Hoa Kỳ đã không ủng hộ một cách rõ ràng hơn cho việc xác định một vai trò của Ấn Độ ở Afghanistan. Ấn Độ xem Afghanistan là thiết yếu cho an ninh của mình. Và chúng tôi đã hy vọng là các cuộc thảo luận về vấn đề Afghanistan sẽ đưa Ấn Độ tới chỗ có một vai trò lớn hơn trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị."

Đại sứ Mansingh cũng cho biết Ấn Độ muốn có sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ mà Ấn Độ rất cần để trở thành hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Ông Mansingh nói thêm: "Hoa Kỳ vẫn chưa chính thức ủng hộ cho Ấn Độ trở thành hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Tán dương Ấn Độ về những gì mà Ấn Độ đã làm là đúng. Nhưng Ấn Độ đã nhận được sự hậu thuẫn công khai của các hội viên thườøng trực khác như Nga, Anh và Pháp."

Ấn Độ sẽ tham gia Hội đồng Bảo an với tư cách hội viên không thườøng trực trong nay mai. Nhưng bà Tersita Schaffer cho rằng phải mất khá nhiều thời gian nữa thì cơ quan của Liên hiệp quốc này mới xét tới việc để cho Ấn Độ làm hội viên thường trực.

Bà Schaffer nói: "Phải được các hội viên hiện thời bỏ phiếu thông qua mới có thể vào Hội đồng Bảo an. Đó không phải là bước duy nhất mà là bước đầu. Nhưng mọi người đều biết rằng trong trường hợp tư cách hội viên thường trực của Ấn Độ có khả năng thành hiện thực thì khi đó hầu như chắc chắn là Trung Quốc sẽ tỏ ý phản đối."

Washington và New Dehli sẽ có thêm một cơ hội nữa trong năm nay để phô diễn cho nhiều người thấy mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên khi Tổng thống Obama đến thăm Ấn Độ vào tháng 11.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG