Đường dẫn truy cập

Nga vẫn chưa dứt khoát về chuyện lập vùng cấm bay ở Libya


Nhiều thành viên hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tiếp tục làm việc để soạn một nghị quyết chính thức về vùng cấm bay ở Libya
Nhiều thành viên hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tiếp tục làm việc để soạn một nghị quyết chính thức về vùng cấm bay ở Libya

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai nói rằng có nhiều câu hỏi chưa được trả lời trước khi lập vùng cấm bay tại Libya.

Tuần trước, Pháp và Anh đã thăm dò trong 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về chuyện áp đặt vùng cấm bay lên một khu vực vùng trời của Libya. Kết quả vẫn chưa nhất trí.

Hôm thứ Hai, sau 3 tiếng thảo luận kín tại New York, Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói với các nhà báo các câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời:

“Câu hỏi không phải chỉ là chúng ta cần làm gì, mà là làm như thế nào.
Nếu có một vùng cấm bay thì ai sẽ thực thi lệnh đó? Sẽ thực thi như thế nào? Nếu không có chi tiết hoặc câu trả lời cho những câu hỏi đó, thật khó mà có được quyết định có trách nhiệm. Đáng tiếc, cho đến giờ này, các câu trả lời vẫn chưa thấy những phía đề nghị chính đưa ra.”

Đại sứ Churkin nói điều cần bây giờ là Hội Đồng Bảo An không nên làm gì khiến cho tình hình Libya nghiêm trọng thêm. Nhưng ông không loại trừ chuyện Nga có thể cuối cùng sẽ ủng hộ vùng cấm bay:

“Chúng tôi rất thoáng. Chúng tôi tìm nhiều cách để ngăn đổ máu, ngăn có thêm thường dân thương vong, và thu xếp được một giải pháp chính trị. Nhưng như tôi đã nói, chúng ta không có đầy đủ thông tin. Khi bảo rằng chúng ta cần hành động nhanh chóng, càng nhanh càng tốt, mà không tìm được trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi, thì đây chỉ là một nỗ lực vô ích. Cần phải có cái gì cụ thể khi đưa ra một đề nghị hết sức quan trọng như vậy.”

Đại sứ Pháp, Gerard Araud,một trong hai nước đưa đề nghị, kêu gọi Nga và các nước thành viên khác xét đến nghị quyết lập vùng cấm bay ở Bosnia-Herzegovina năm 1993:

“Nghị quyết 816 không nói ai áp đặt vùng cấm bay và áp đặt như thế nào. Hội đồng của chúng ta không phải một một bộ chỉ huy quân sự , mà là một thẩm quyền cấp phép chính trị để rồi sau đó các quốc gia làm việc với nhau để áp đặt.”

Nhiều thành viên hội đồng sẽ tiếp tục làm việc vào chiều thứ Hai để soạn một nghị quyết chính thức. Đại sứ Pháp hy vọng nghị quyết “sẽ có càng sớm càng tốt.”

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG