Đường dẫn truy cập

Đại sứ Mark Kent: ‘Anh sẽ tăng cường quan hệ chiến lược với VN’


Đại sứ Mark Kent nói 'sẽ tiếp tục làm rõ quan điểm rằng để cho một xã hội tiếp tục phát triển và xây dựng một nền kinh tế dựa vào tri thức, thì dòng chảy tự do về thông tin và ý kiến là điều quan trọng'.
Đại sứ Mark Kent nói 'sẽ tiếp tục làm rõ quan điểm rằng để cho một xã hội tiếp tục phát triển và xây dựng một nền kinh tế dựa vào tri thức, thì dòng chảy tự do về thông tin và ý kiến là điều quan trọng'.

Thưa quý vị, Việt Nam và Anh đã chính thức trở thành đối tác chiến lược sau khi giới chức hai nước ký vào một tuyên bố chung ở London hồi tuần trước. Thông qua thỏa thuận này, chính quyền hai quốc gia cam kết ‘tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hiện có và mở rộng sang những lĩnh vực mới’. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyễn Trung với Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Mark Kent, về các điểm chính trong tuyên bố này.

VOA: Anh và Việt Nam giờ coi nhau là các đối tác chiến lược. Thưa ông, tuyên bố đó có ý nghĩa như thế nào đối với hai bên?

Đại sứ Mark Kent: Chúng tôi cho rằng đây là một tuyên bố quan trọng, cho thấy tiến bộ trong mối quan hệ song phương mà hai nước đã đạt được trong những năm gần đây. Ngoài ra, nó cũng mang lại một khuôn khổ nhằm tăng cường mối bang giao này trong thời gian sắp tới.

VOA: Trong số các lĩnh vực hai quốc gia hợp tác, các mối ưu tiên của Anh ở Việt Nam là gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Mark Kent: Trong tuyên bố vừa ký, có thể thấy một số lĩnh vực chúng tôi chờ đợi sẽ tăng cường đối thoại. Lấy ví dụ, thương mại và đầu tư quan trọng đối với cả hai bên, không chỉ về mặt song phương, mà còn tạo ra khuôn khổ cho thương mại toàn cầu cũng như chống lại tình trạng bảo hộ.

Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam đóng vai trò chính trị quan trọng trong vùng vì hiện nước này đang nắm vị trí Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã hợp tác với chúng tôi về các vấn đề liên quan tới Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, cải cách thể chế quốc tế cũng như các lĩnh vực cùng quan tâm khác như giáo dục, đào tạo, an ninh và di cư.

VOA: Trong tuyên bố này, trao đổi truyền thông và báo chí là một trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Vì sao hai bên lại quan tâm tới vấn đề này?

Đại sứ Mark Kent: Tuyên bố bao gồm một số các vấn đề chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc và hợp tác. Một trong bảy điểm cơ bản bao gồm vấn đề giao lưu nhân dân.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi trông chờ sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực truyền thông. Chúng tôi hài lòng vì phía Việt Nam đã cho tờ Financial Times mở văn phòng ở Hà Nội.

Chúng tôi cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm về luật báo chí của Anh cũng như cách thức khuyến khích một nền báo chí năng động và có trách nhiệm ở Việt Nam nhằm giúp phát triển xã hội.

VOA: Pháp quyền, một vấn đề được cộng đồng mạng ở Việt Nam quan tâm thảo luận thời gian qua, cũng nằm trong tuyên bố này. Thưa Đại sứ, Anh có thể làm gì để hỗ trợ Việt Nam tăng cường nhà nước pháp quyền?

Đại sứ Mark Kent: Pháp quyền là một nền tảng quan trọng đối với bất kỳ một xã hội nào, mà một trong các lý do là nó khuyến khích thương mại và đầu tư. Nếu xảy ra tranh chấp thương mại, thì sẽ có một thủ tục giải quyết rõ ràng để xử lý.

Ngoài ra, pháp quyền sẽ giúp đất nước phát triển công bằng và bình đẳng. Chúng tôi làm việc và hợp tác với các nước khác trên thế giới nhằm chia sẻ kinh nghiệm về pháp quyền cũng như việc tăng cường trách nhiệm và tính minh bạch có thể giúp chống tham nhũng. Tôi nghĩ đây là một lĩnh vực chúng tôi hy vọng sẽ có các cuộc đối thoại mang lại kết quả với phía Việt Nam.

VOA: Việt Nam và Anh đề xuất tổ chức cuộc gặp hàng năm ở cấp quan chức cao cấp về vấn đề di cư nhằm đánh giá quá trình hợp tác và thảo luận các thách thức mới. Các khó khăn hiện giờ trong lĩnh vực này là gì, thưa ông?

Đại sứ Mark Kent: Cần phải thừa nhận rằng mối bang giao Anh – Việt không phải là mối quan hệ truyền thống, mà phát triển thông qua tiến trình toàn cầu hóa. Rõ ràng toàn cầu hóa mang lại nhiều điểm tích cực, như giúp mối bang giao giữa hai nước tiến bộ, nhưng đồng thời nó cũng có những mặt trái, mà một trong số đó là vấn đề tội phạm quốc tế có tổ chức cũng như tình trạng di cư bất hợp pháp.

Hiện có những vấn đề ảnh hưởng tới cả Anh lẫn Việt Nam, trong đó có tình trạng di cư trái phép thường liên quan tới các nhóm tội phạm có tổ chức. Vấn đề này rốt cuộc tác hại tới cả hai nước cũng như các em nhỏ hay các cá nhân bị đưa lậu sang Anh để làm việc tại những nơi trồng cần sa trái phép. Chúng tôi mừng vì có quan hệ tốt đẹp với Bộ Công an Việt Nam nhằm giải quyết vấn nạn này.

VOA: Tại lễ ký kết, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết trong các vấn đề hai bên sẽ tiếp tục theo đuổi có việc ‘thảo luận thẳng thắn’ về nhân quyền. Hai nước sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào về vấn đề này?

Đại sứ Mark Kent: Đây là một vấn đề chúng tôi tham gia thảo luận với phía Việt Nam trong các cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Liên hiệp châu Âu – Việt Nam được tổ chức hai lần một năm. Tôi nghĩ chúng tôi nhìn nhận rằng Việt Nam đã đạt tiến bộ lớn về phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua. Việt Nam cũng đã có những động thái tích cực về tự do tôn giáo.

Chúng tôi nghĩ và sẽ tiếp tục làm rõ quan điểm rằng để cho một xã hội tiếp tục phát triển và xây dựng một nền kinh tế dựa vào tri thức, thì dòng chảy tự do về thông tin và ý kiến là điều quan trọng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục nêu quan điểm phản đối việc sử dụng án tử hình. Đây là chính sách toàn cầu và chúng tôi đã thể hiện quan điểm không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả các quốc gia khác.

VOA: Thưa ông, Việt Nam là đối tác quốc phòng quan trọng tới mức nào của Anh ở Đông Nam Á?

Đại sứ Mark Kent: Một trong các điều khoản nêu lên trong Tuyên bố Đối tác Chiến lược là an ninh và quốc phòng. Chúng tôi trông đợi sẽ phát triển mối quan hệ về khía cạnh này, nhưng đây không phải là một trong các vấn đề chính trong mối bang giao giữa hai nước.

Nói chung, điều quan trọng của thỏa thuận này là nhìn nhận Việt Nam là một thế lực mới nổi trên thế giới. Như Ngoại trưởng William Hague đã nói, Anh muốn hợp tác một cách năng động hơn nữa với các nền kinh tế cũng như các nước đang trỗi dậy trên toàn thế giới.

Chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện chính sách này theo khuôn khổ đối tác chiến lược vừa ký với Việt Nam, với trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như các cuộc thảo luận về các vấn đề khu vực hay toàn cầu.

Cám ơn Đại sứ Mark Kent. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các tin tức hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

VOA Express

XS
SM
MD
LG