Đường dẫn truy cập

Tương lai Hồng Kông sẽ ra sao?


Biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, ngày 1/7/2016.
Biểu tình ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông, ngày 1/7/2016.

Nghị viện Hồng Kông dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bầu cử để chọn các thành viên mới vào ngày 4/9 năm nay. Trong các cuộc bầu cử đã qua, các ứng cử viên chỉ cần tuyên bố sẽ gìn giữ các quyền tự do được bảo đảm trong Luật Cơ bản của Hồng Kông, và cam kết trung thành với đặc khu này; tuy nhiên trong lần bầu cử sắp tới, các ứng cử viên tham gia tranh cử phải ký một văn bản bổ sung, công nhận Hồng Kông là “một bộ phận không thể tách rời” khỏi Trung Quốc.

Hai ứng cử viên Chan Ho-tin và Yeung Ke-cheong từ chối ký vào văn bản bổ sung công nhận Hồng Kông là ‘bộ phận không thể tách rời khỏi Hoa Lục’, và vì lý do đó đã bị Ủy ban đặc trách Bầu cử của Hồng Kông loại ra khỏi cuộc đua.

Trong khi đó, ông Edward Leung, người đã từng tranh đấu đòi độc lập cho Hồng Kông, đã giành được một ghế trong nghị viện trong một cuộc bầu cử tổ chức hồi tháng Hai năm nay. Ông Lương đã ký vào văn bản mới xác định chỉ có “một nước Trung Quốc”, nhưng trong tuần này ông được loan báo rằng ông cũng bị cấm tham gia bầu cử.

Ông Leung nói: "Điều hiển nhiên là Hồng Kông ngày nay không còn là một nền pháp trị, mà là một lãnh thổ bị những người cộng sản thống trị. Quyết định của họ là bất hợp pháp nhưng họ vẫn làm như vậy bởi vì họ dám làm, họ thách thức chúng tôi rằng chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì chống lại nhà cầm quyền, điều đó không đúng. Người dân Hồng Kông chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền tự trị."

Ông Leung còn nói với các nhà báo rằng "Cộng sản Trung Quốc cai trị Hồng Kông, ngày nào còn có Luật cơ bản, tôi sẽ không vào được nghị viện. Vậy thì tôi có thể làm gì khác?” Câu trả lời của ông cho câu hỏi do chính ông đặt ra là: “Cách mạng!"

VOA đã liên lạc với Ủy ban đặc trách Bầu cử Hồng Kông, nhưng bị từ chối phỏng vấn.

Hồng Kông kết tội 3 thủ lĩnh phong trào ‘bất tuân dân sự’
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:44 0:00

Cam kết ủng hộ các mục tiêu lớn của Bắc Kinh

Chuyên gia về Đông Nam Á, John Minnich, thuộc Viện tình báo chiến lược Stratfor của tư nhân, nhận định: "Tôi tin rằng những gì mà chúng ta đang chứng kiến, nói theo nghĩa rộng, là chính sách của Bắc Kinh đối với Hồng Kông."

Ông cho rằng theo một nghĩa nào đó, chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được mối nguy của ngay cả “khái niệm về quyền tự trị của Hồng Kông” đối với các mục tiêu chính trị rộng lớn hơn của Bắc Kinh.

Các mục tiêu chính trị đó, theo ông Minnich, đã bị phơi bày ra ánh sáng sau khi Bắc Kinh bắt giữ các nhà xuất bản sách Hồng Kông bằng các biện pháp ngoài vòng pháp luật, mà ông miêu tả là các "biện pháp cực đoan chưa từng thấy trước đây”.

Ông cho rằng đây là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đang theo đuổi các mục tiêu chính trị lớn hơn và sẵn sàng rút lại nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế” để đạt các mục tiêu tối hậu của mình."

Ông David Lampton, Giám đốc đặc trách các vấn đề Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins (SAIS) so sánh cam kết mà các ứng cử viên ở Hồng Kông buộc phải ký, với những gì xảy ra tại Hoa Kỳ dưới thời đại McCarthy - một giai đoạn mà ông miêu tả là ‘đáng buồn’ trong quá khứ của nước Mỹ.

Ông Lampton nói Trung Quốc đã cố gắng tăng lòng tin vào đường lối cai trị của họ, đặc biệt là đối với Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan, nhưng ông lưu ý rằng các nỗ lực của Bắc Kinh đang có tác dụng ngược.

Ông Lampton nhận định: "Từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc đã bước vào một thời kỳ trong đó chính trị bị siết chặt, sự khoan dung đối với thành phần bất đồng chính trị ngay tại Trung Quốc bị giới hạn, và tất nhiên chuyện đó cũng diễn ra tại các vùng lãnh thổ trực thuộc, chẳng hạn như Hồng Kông."

Trong khi vẫn chưa rõ tác động của động thái đó của Trung Quốc đối với tương lai của Hồng Kông sẽ ra sao, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á John Minnich nói rằng đây là một "xu hướng cụ thể hướng tới việc giới hạn quyền tự trị chính trị tại Hồng Kông và triển vọng độc lập của đặc khu này.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG