Đường dẫn truy cập

Tử tù Lê Văn Mạnh sắp bị thi hành án, gia đình tiếp tục kêu oan


Bà Nguyễn Thị Việt (giữa) cùng bố mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đứng trước cửa Bộ Tư Pháp hôm 19/9 để kêu oan cho con trai bà, Lê Văn Mạnh, bị kết án tử hình và sắp bị đưa ra thi hành án.
Bà Nguyễn Thị Việt (giữa) cùng bố mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đứng trước cửa Bộ Tư Pháp hôm 19/9 để kêu oan cho con trai bà, Lê Văn Mạnh, bị kết án tử hình và sắp bị đưa ra thi hành án.

Gia đình tử tù Lê Văn Mạnh cho biết họ vừa nhận được giấy thi hành án tử hình lần thứ hai đối với con trai của mình, hiện đang bị giam giữ hơn 18 năm qua, nhưng họ từ chối làm đơn nhận tử thi vì cho rằng con trai họ bị kết án oan.

Anh Mạnh bị kết án vào tháng 10/2005 vì bị buộc tội giết người và hiếp dâm một trẻ vị thành niên trong vụ án xảy ra 7 tháng trước đó ở Thanh Hóa. Khi bị kết án tử hình, anh Mạnh 23 tuổi.

Trong tất cả 7 phiên tòa xét xử cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, anh Mạnh đều nói mình bị oan và phải nhận tội do bị tra tấn và nhục hình.

Anh Mạnh nằm trong số 3 tử tù, gồm cả Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, được các tổ chức xã hội dân sự yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập đến các bản án tử hình “oan sai” của họ trong chuyến thăm của ông tới Việt Nam. Tổng thống Biden kết thúc chuyến thăm hôm 11/9 mà Nhà Trắng cho biết ông có nêu vấn đề nhân quyền khi gặp mặt các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, gồm cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của anh Mạnh, hôm 19/9 cho VOA biết Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định thi hành bản ánh tử hình của con trai bà bằng “hình thức tiêm thuốc độc.” Tờ thông báo mà VOA được xem cho thấy TAND Thanh Hóa nói rằng gia đình bà Việt có thể “làm đơn xin nhận tử thi” của anh Mạnh nhưng không cho biết thời gian thi hành án.

Bà Việt nói rằng bà từ chối ký vào tờ quyết định.

“Vì tôi không chấp nhận thi hành bản án này. Con tôi là người bị oan chứ không phải thực sự gây ra án. Gia đình tôi đang đi kêu oan suốt 19 năm nay,” bà Việt nói.

Theo hồ sơ vụ án được truyền thông trong nước trích dẫn, vụ án xảy ra ngày 21/3/2005 ở xã Yên Thịnh thuộc huyện Yên Định của tỉnh, trong đó nạn nhân Hoàng Thị Loan, sinh năm 1991, bị cho là bị giết sau khi bị hãm hiếp.

Bà Việt cho biết con trai bà ngày hôm đó cùng bà chuyển nhà cho em gái và sau khi nghe tin có người bị mất tích ở sông Cầu Chày gần đó đã cùng bố và em trai mình xuống sông giúp tìm kiếm xác.

Ngày hôm sau thi thể nạn nhân được người dân tìm thấy tại bờ sông. Sau đó không lâu vào ngày 20/4, anh Mạnh bị Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam về hành vi cướp tài sản.

Bà Việt cho biết con trai bà nói rằng anh bị “bức cung nhục hình” trong thời gian bị giam giữ để phải nhận tội mà anh không làm.

“(Mạnh) bảo ở trong (trại giam) họ đánh con gần chết, họ treo thòng lọng họ đánh con, con ngất đi họ hắt nước cho tỉnh lại họ lại treo thòng lọng đánh tiếp. (Mạnh nói) họ còn dí cả điện vào (bộ phận sinh dục) con nữa,” bà Việt nói về những gì con trai bà kể khi vào thăm con ở trại giam Cầu Cao ở Thanh Hóa.

Bất chấp nhiều năm gia đình liên tục kêu oan cho anh Mạnh, TAND tỉnh Thanh Hóa vào tháng 10/2015 đưa ra quyết định thi hành án tử hình.

Nhưng quyết định thi hành án lúc đó của TAND Thanh Hóa vấp phải sự phản đối của giới luật sư trong nước và cả các tổ chức quốc tế. Sáu luật sư ở Hà Nội đã có đơn kiến nghị tạm hoãn thi hành án tử hình khẩn cấp gửi tới Chủ tịch nước và một số cơ quan tư pháp ở trung ương và Thanh Hóa.

Ân xá Quốc tế là một trong số các tổ chức nhân quyền quốc tế vào tháng 10/2015 cũng đưa ra lời kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng thi hành án tử đối với anh Mạnh.

Trong bức thư mà Ân xá Quốc tế gửi tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tổ chức có trụ sở ở London của Anh kêu gọi ông Sang ra lệnh ngừng tử hình anh Mạnh và tiến hành một cuộc điều tra trước những cáo buộc rằng anh Mạnh bị tra tấn trong trại giam.

“Lê Văn Mạnh khẳng định mình vô tội trong suốt quá trình tố tụng hình sự và cáo buộc rằng anh bị tra tấn để phải nhận tội và lời thú tội đó được dùng để kết án anh,” Ân xá Quốc tế viết trong bức thư gửi ông Sang.

Trước sức ép từ cả gia đình, công chúng trong nước và cộng đồng quốc tế, việc thi hành án tử hình anh Mạnh lúc đó đã được hoãn lại.

Chánh án TAND Thanh Hóa lúc đó, ông Phạm Quốc Bảo được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng xem xét lại việc thi hành án anh Mạnh “là để cơ quan tố tụng làm hết nhẽ, nếu bản án có sai sót, có vi phạm tố tụng thì không oan cho một con người.” Tuy nhiên ông Bảo cũng nói rằng “sau khi xem xét, bản án đó không vi phạm tố tụng, tội của Mạnh là không oan thì các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện công việc của mình theo đúng pháp luật.”

Đến ngày 18/9, TAND Thanh Hóa đưa ra quyết định thi hành án lần hai. Quyết định này được đưa ra sau khi Tòa án Nhân dân Tối cao vào tháng trước cho gia đình bà Việt biết họ không chấp nhận đề nghị kháng cáo Giám đốc thẩm cho bản án tử hình của anh Mạnh, hiện đã 41 tuổi. Trước đó vào tháng 7, gia đình bà Việt bị từ chối thăm gặp con trai bà.

Bà Việt đã cùng ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ngày 19/9 đến trước cửa Tòa án Tối cao và Ủy ban Tư pháp ở Hà Nội, với sự giúp đỡ của một số bà con dân oan quyền đất đai, để kháng nghị quyết định mới được đưa ra thi hành án con trai bà.

“Là một người mẹ, tôi không để con tôi chết oan được,” bà Việt cho biết và nói rằng bà sẽ tiếp tục đi kêu oan cho con trai mình như bà vẫn làm trong gần 20 năm qua là gửi thư và tọa kháng trước các cơ quan công quyền, gồm cả Văn phòng Quốc hội, chủ tịch nước và tổng bí thư.

Tử tù Lê Văn Mạnh sắp bị thi hành án, gia đình tiếp tục kêu oan
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:22 0:00

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG