Đường dẫn truy cập

LHQ và các tổ chức quốc tế giục Việt Nam ngừng hành quyết tử tù Nguyễn Văn Chưởng


Con gái của tử tù Nguyễn Văn Chưởng mặc áo và đứng trước băng rôn kêu oan cho bố của mình bị kết án tử hình vì cáo buộc "giết người", một bản án đang bị hàng nghìn người trong nước và cộng đồng quốc tế phản đối.
Con gái của tử tù Nguyễn Văn Chưởng mặc áo và đứng trước băng rôn kêu oan cho bố của mình bị kết án tử hình vì cáo buộc "giết người", một bản án đang bị hàng nghìn người trong nước và cộng đồng quốc tế phản đối.

Liên Hợp Quốc và hơn một chục tổ chức phi chính phủ vừa đưa ra những lời kêu gọi riêng biệt tới chính phủ Việt Nam, thúc giục quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền ngừng việc thi hành án tử hình đối với ông Nguyễn Văn Chưởng cũng như tiến hành một cuộc điều tra trước cáo buộc tử tù này bị kết tội oan.

Gia đình ông Chưởng trong hơn 16 năm qua đã nhiều lần gửi đơn kêu oan tới các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nhưng bị họ từ chối xem xét bản án tử hình, trong đó ông Chưởng bị quy là kẻ chủ mưu cầm đầu hai đồng phạm khác gây ra vụ giết người cướp của vào năm 2007, làm một thiếu tá cảnh sát hình sự tử vong.

Gia đình ông Chưởng hôm 4/8 nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng về việc Tòa đã ra quyết định tiến hành tử hình ông. Bố của ông Chưởng, ông Nguyễn Trường Chinh, cho VOA biết rằng gia đình ông có thể làm đơn xin nhận tử thi hay tro cốt của con mình trong thời bạn 3 ngày kể từ khi thông báo. Tuy nhiên, ông nói rằng gia đình vẫn đang đi kêu oan cho con trai.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong một tuyên bố đưa ra hôm 11/8, nói rằng họ “rất quan ngại trước các thông tin về việc Việt Nam sắp xử tử ông Nguyễn Văn Chưởng giữa những cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm xét xử công bằng.”

Người phát ngôn của văn phòng, ông Jeremy Laurence “kêu gọi các nhà chức trách ngay lập tức dừng việc thi hành án và tiến hành một cuộc điều tra độc lập và vô tư về các cáo buộc tra tấn.”

Ông Chưởng bị buộc tội giết Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh ngày 14/7/2007 và bị bắt khoảng 3 tuần sau đó. Ông bị giam giữ liên tục trong 16 năm trong suốt quá trình xét xử và các thủ tục sau khi kết án. Ông Chưởng luôn khẳng định mình vô tội và cho rằng ông đã bị tra tấn nên phải thú tội, theo những bức thư mà ông bí mật gửi ra cho gia đình.

Góp tiếng nói vào việc kêu gọi hoãn thi hành án tử hình đối với ông Chưởng, một liên minh gồm 10 tổ chức nhân quyền quốc tế hôm 9/8 đã gửi một bức thư ngỏ tới Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng cũng để bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” và thúc giục chính quyền tiến hành một cuộc điều tra “vô tư và hiệu quả về những cáo buộc rằng ông (Chưởng) đã bị tra tấn để phải ‘thú nhận’ tội.”

Các tổ chức, trong đó có Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cho rằng việc “thú tội” của ông Chưởng “bị cho là được thừa nhận một cách bất hợp pháp làm bằng chứng và được dùng để kết tội ông tại phiên tòa, trái với thông lệ quốc tế và nghĩa vụ pháp lý của Việt Nam.”

Theo các tổ chức này, cuộc điều tra của công an Việt Nam “bỏ qua những bằng chứng quan trọng” và “bất chấp các nhân chứng ngoại phạm rõ ràng” để lấy “những lời thú tội ‘bị ép buộc’” nhằm kết án ông Chưởng khi mới 24 tuổi vào năm 2007.

Theo thư ngỏ của các tổ chức nhân quyền, công an đã "ép buộc các nhân chứng ngoại phạm của ông Chưởng bằng vũ lực để thay đổi lời chứng của họ.”

Nguyễn Trọng Đoàn, em trai ông Chưởng và là người đi thu thập bằng chứng ngoại phạm cho anh, cũng bị bắt giữ với cáo buộc “thao túng vật chứng và nhân chứng” rồi bị kết án 2 năm tù vì tội "che dấu tội phạm." Ông Đoàn mất hồi tháng 6 vì bệnh ung thư xương.

Luật sư Lê Văn Hòa, người từng là Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương và làm đại diện pháp lý cho gia đình ông Chưởng, cho VOA biết trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước rằng có nhiều mâu thuẫn trong những lời khai của các bị cáo và nhân chứng và rằng ông Chưởng có bằng chứng ngoại phạm, cũng như có vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ hiện trường.

Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Việt Nam và 3 cơ quan ngoại giao của Canada, Na Uy và Anh đã ra tuyên bố chung hôm 10/8 kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam dừng việc thi hành án ông Chưởng. Tuyên bố được đưa ra ít ngày sau khi cha mẹ của tử tù này và hàng nghìn người khác gửi lời thỉnh cầu đến Chủ tịch Việt Nam.

VOA đã gửi lời yêu cầu bình luận về những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền và chính phủ quốc tế tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Chủ tịch Thưởng chưa đưa ra phản ứng công khai nào trước lời kêu gọi của gia đình ông Chưởng, người dân và các tổ chức quốc tế.

Ông Chinh cho biết gia đình đã đi thăm con trai hôm 14/8 và thấy “tinh thần Chưởng khác lạ hơn trước” cũng như lo lắng về việc cho đến lúc này chưa biết chính xác ngày thi hành án con trai ông.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế trong thư ngỏ nói rằng nếu xử tử ông Chưởng, “Việt Nam sẽ đi ngược lại xu thế toàn cầu là loại bỏ hình phạt tử hình và thiết lập một lệnh cấm sử dụng hình phạt này.” Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tại các nghị quyết được đưa ra nhiều lần với sự đồng thuận cao, và gần đây nhất là trong Nghị Quyết đưa ra ngày 15/12/2022, đã kêu gọi tất cả các quốc gia hiện giữ vẫn giữ hình phạt tử hình bãi bỏ ngay lập tức hình phạt này.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG