Đường dẫn truy cập

Tự do tôn giáo sẽ bị siết chặt nếu VN thông qua luật mới


Theo ước tính của USCIRF, đa phần trong số hơn 94 triệu dân ở Việt Nam theo đạo Phật. (Ảnh tư liệu)
Theo ước tính của USCIRF, đa phần trong số hơn 94 triệu dân ở Việt Nam theo đạo Phật. (Ảnh tư liệu)

Các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi chính phủ Việt Nam bác bỏ một dự thảo luật về tín ngưỡng và tôn giáo cho tới khi nào dự thảo được đề nghị phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.

Dự thảo mới, dù đã được sửa đổi nhiều lần, vẫn gây nhiều tranh cãi cả ở trong lẫn ngoài nước. Dự kiến dự thảo này sẽ được quốc hội thảo luận tại kỳ họp đang diễn ra ở Hà Nội, nơi mà dự luật có nhiều khả năng sẽ được thông qua.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thuộc Uỷ ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) có trụ sở ở Mỹ là một trong những người ký tên vào thư ngỏ gửi đến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân để kêu gọi sửa đổi dự thảo mới nhất. Trao đổi với VOA-Việt Ngữ, ông Thắng nói:

"Luật này theo đúng như ngôn từ của dự thảo mới nhất có nhiều điều mà chúng tôi thấy nó sẽ thắt chặt hơn nữa quyền tự do tôn giáo hay niềm tin của những cộng đồng tôn giáo độc lập."

Các nhà lập pháp của các nước ASEAN cũng lên tiếng sau khi dự thảo được đưa ra. Trên một thông cáo trên trang web của Hội các nhà lập pháp ASEAN Vì Nhân Quyền, các chính trị gia ASEAN cho rằng Việt Nam đã can thiệp quá trớn vào tự do tôn giáo. Trong một thư ngỏ có chữ ký của các nhà lập pháp ASEAN gửi tới Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, các nhà lập pháp bày tỏ quan ngại về những hạn chế “không thể chấp nhận” đối với quyền tự do tôn giáo.

Theo Tiến sĩ Thắng, nhiều cộng đồng quốc tế và cả các tổ chức hội đoàn ở Việt Nam đã lên tiếng về bản dự thảo này:

"Điểm quan trọng nhất cần sửa đổi là thái độ xin cho, tức là bắt người dân phải xin thì mới được quyền hoạt động tôn giáo. Thái độ xin cho đó là hỏng vì nó vi phạm công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong đó. Quyền tự do tôn giáo là quyền đương nhiên của con người. Đòi hỏi là phải đăng ký thì mới được hoạt động. Đăng ký và được chấp thuận bởi nhà nước thì mới được hoạt động thì điều ấy là thái độ xin và cho."

Trong phúc trình thường niên mới nhất của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ (USCIRF), “mức độ chính quyền hạn chế các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam khác nhau rất nhiều tùy theo vùng miền địa lý, và cũng tùy theo từng tổ chức tôn giáo dựa trên quan hệ của các tổ chức tôn giáo đó với nhà nước.”

Theo bản phúc trình, những vi phạm về tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn tiếp diễn đã lên tới mức Việt Nam phải được đưa vào danh sách “các quốc gia đáng quan ngại về tự do tôn giáo.” Ông Thắng nói, dù không còn nhiều thời gian để gửi lời kêu gọi tới quốc hội Việt Nam nhưng các cộng đồng vẫn nên tiếp tục lên tiếng:

"Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng với phía quốc hội Việt Nam. Hy vọng rằng có sự lắng nghe của những nhà làm luật ở Việt Nam."

Theo ước tính của USCIRF, đa phần trong số hơn 94 triệu dân ở Việt Nam theo đạo Phật. Có hơn 6 triệu người Việt theo Thiên Chúa Giáo và phần còn lại theo các đạo Cao Đài, Hòa Hảo và Tin Lành.

VOA Express

XS
SM
MD
LG