Đường dẫn truy cập

TT Trump có chính sách cứng rắn hơn với Iran


Biểu tình phản đối trước Tòa Bạch Ốc đòi Mỹ duy trì chính sách ngoại giao với Iran trước khi Tổng thống Trump công bố chính sách cứng rắn hơn đối với Iran, ngày 13/10/2017.
Biểu tình phản đối trước Tòa Bạch Ốc đòi Mỹ duy trì chính sách ngoại giao với Iran trước khi Tổng thống Trump công bố chính sách cứng rắn hơn đối với Iran, ngày 13/10/2017.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ủng hộ một sách lược cứng rắn hơn với Iran, và sẽ không xác nhận Tehran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký cách đây hai năm. Nhưng trong phát biểu quan trọng về chính sách trong ngày thứ Sáu 13/10, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không kêu gọi bãi bỏ hiệp ước.

Thông báo cho các phóng viên báo chí về chiến lược của Mỹ trước khi Tổng thống Trump phát biểu, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson nhấn mạnh rằng sách lược của Tổng thống Trump không thay đổi cam kết của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với năm thành viên thường trước của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Liên hiệp Âu châu.

Tuy nhiên hành động của Tổng thống Trump đòi hỏi Quốc hội phải xem xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo luật theo dõi thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi tắt là INARA, tổng thống Mỹ mỗi 90 ngày phải xác nhận Iran có tuân thủ hiệp ước hạt nhân, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), hay không.

Ngoại trưởng Tillerson nói: “Phương án này là một chiến lược rộng lớn hơn so với chiến lược đã được áp dụng đối với Iran trong quá khứ. Mục đích là chúng tôi sẽ tiếp tục giữ hiệp ước JCPOA nhưng tổng thống sẽ không xác nhận Iran tuân thủ theo luật INARA.”

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục các cam kết JCPOA, với hy vọng là Quốc hội sẽ đưa ra luật mạnh hơn trong đó cho phép tự động áp dụng trở lại các biện pháp chế tài một khi Iran vi phạm thỏa thuận.

Ông Tillerson nói với các phóng viên báo chí: “Hãy sửa đổi lại các quy định của luật INARA để đưa vào những điểm cứng rắn hơn. Nếu Iran vượt quá bất cứ điểm giới hạn nào thì các biện pháp chế tài sẽ tự động có hiệu lực áp dụng trở lại.”

Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp: “Các điểm quy định đó áp dụng cụ thể cho chương trình hạt nhân, nhưng cũng có thể áp dụng chó những vấn đề như chương trình phi đạn đạn đạo.”

Ông Tillerson, người được cho là kiến trúc sư của sách lược mới đối với Iran, nói rằng hành động của Quốc hội đặt ra những điểm giới hạn sẽ đánh đi một thông điệp mạnh mẽ cho Iran rằng Mỹ kiên quyết bảo đảm rằng Iran không được phát triển vũ khí hạt nhân.

“Đó là điều tổng thống yêu cầu chúng tôi phải làm,” ông Tillerson nói. “Hoặc là phải có thêm những biện pháp nghiêm khắc buộc Iran phải tuân thủ để được hưởng những lợi ích và được dỡ bỏ các lệnh chế tài, hoặc là bãi bỏ hoàn thỏa thuận. Mỹ rút lui và làm lại từ đầu.”

Ông Tillerson nói rằng Tổng thống Trump sẽ loan báo thêm các biện pháp trừng phạt đối với Vệ binh Cách mạng Iran vì họ hỗ trợ cho các hành động khủng bố trong khu vực.

Tổng thống Trump đã không giấu diếm chống đối của ông đối với hiệp ước hạt nhân này kể từ khi nó được thông qua năm 2015. Các nhà phân tích và các giới chức của chính quyền Obama tham gia lập ra thỏa thuận hạt nhân này nói rằng bất cứ một nỗ lực nào nhằm sửa đổi thỏa thuận rất phức tạp này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và các nhà lập pháp.

Ông Ben Rhodes, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng thống Obama, nói: “Hành động này là độc đoán và hoàn toàn không cần thiết. Vấn đề hiện nay là chứng nhận Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không, và như chúng ta đều biết, chính quyền Trump đã hai lần xác nhận Iran tuân thủ hiệp ước này. Iran hiện đang tuân thủ thỏa thuận này.”

Trong cuộc điện thoại với với các phóng viên báo chí hôm thứ Sáu, ông Rhodes bác bỏ cơ sở hợp lý trong sách lược của ông Trump. Ông nói: “Phương án họ hối thúc Quốc hội phải làm sẽ cấu thành hành động vi phạm hiệp ước bởi vì nó cấu thành nỗ lực đơn phương đàm phán thỏa thuận.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG