Đường dẫn truy cập

TT Biden lần đầu tiên điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình


Tư liệu: Ông Biden - lúc đó là Phó Tổng thống Mỹ, và ông Tập Cận Bình, thời đó là Phó Chủ tịch TQ tại lễ chào mừng phái đoàn Mỹ tại Đại sảnh đường nhân dân ở Bắc Kinh ngày 18/8/2011. (Photo by PETER PARKS / AFP)
Tư liệu: Ông Biden - lúc đó là Phó Tổng thống Mỹ, và ông Tập Cận Bình, thời đó là Phó Chủ tịch TQ tại lễ chào mừng phái đoàn Mỹ tại Đại sảnh đường nhân dân ở Bắc Kinh ngày 18/8/2011. (Photo by PETER PARKS / AFP)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên điện đàm với nhau trong cương vị nguyên thủ quốc gia. Trong cuộc điện đàm, ông Biden khẳng định ưu tiên hàng đầu của Mỹ là một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ông Tập cảnh báo đối đầu nhau sẽ là một 'thảm họa' cho cả hai nước.

Tòa Bạch Ốc cho biết ông Biden còn nêu bật “những quan ngại cơ bản về các cách hành xử có tính cưỡng bức và bất công của Bắc Kinh, chiến dịch đàn áp ở Hong Kong, các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, kể cả đối với Đài Loan”.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập nói đối đầu nhau sẽ là một "thảm họa" và hai bên nên thiết lập lại các cơ chế để tránh đánh giá sai lầm.

Cuộc điện đàm diễn ra vào sáng thứ Năm giờ Bắc Kinh tức là tối thứ Tư tại Hoa Kỳ.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc duy trì lập trường cứng rắn đối với Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan, mà ông Tập nói là các vấn đề liên quan tới “chủ quyền và quyền toàn vẹn lãnh thổ” của nước ông, và ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp cận một cách thận trọng.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Tập và tổng thống Biden kể từ khi lãnh đạo Trung Quốc trao đổi với cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 3 năm ngoái. Từ đó, quan hệ giữa hai nước đã tuột dốc xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, sau khi ông Trump quy lỗi cho Trung Quốc về đại dịch COVID-19.

Dưới thời TT Trump, Hoa Kỳ đã thực hiện một loạt hành động chống Trung Quốc, gồm chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và công ty Trung Quốc được coi là một mối đe dọa an ninh, đồng thời thách thức các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Tập đã chúc mừng ông Biden đắc cử trong một thông điệp hồi tháng 11, dù trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden đã gọi ông Tập là “côn đồ” và thề sẽ dẫn đầu một nỗ lực quốc tế nhằm “gây áp lực, cô lập và trừng phạt Trung Quốc”.

Các quan chức Trung Quốc bày tỏ lạc quan thận trọng rằng quan hệ song phương sẽ được cải thiện dưới thời Biden và thúc giục Washington hãy đáp ứng tương tự với những bước tương nhượng của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ và Trung Quốc đề cập đến các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác, tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu và chống đại dịch COVID-19.

Không có thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc

Chính quyền Biden khẳng định sẽ tiếp tục duy trì sức ép đối với Trung Quốc, mặc dù phía Mỹ cam kết sẽ có cách tiếp cận đa phương hơn.

Một quan chức Mỹ cho biết cuộc điện đàm diễn ra vào thời điểm khi mà Hoa Kỳ tin là đang ở thế mạnh, sau khi tham vấn với các đồng minh và đối tác, để nêu ra những quan ngại cốt lõi về "các hoạt động gây hấn và lạm dụng" của Trung Quốc.

Trong những tháng tới, chính quyền Biden sẽ xem xét khả năng áp dụng thêm một số biện pháp hạn chế mới nhắm vào một số mặt hàng công nghệ nhạy cảm xuất khẩu sang Trung Quốc với sự hợp tác của các đồng minh và đối tác, quan chức này cho biết.

Cuộc điện đàm diễn ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói chuyện qua điện thoại với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, hôm thứ Sáu.

Trong cuộc gọi, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Washington sẽ ủng hộ nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong – toàn là những vấn đề mà ông Dương Khiết Trì đã nêu ra vài ngày trước cuộc trao đổi, và cảnh báo người Mỹ không nên can thiệp.

VOA Express

XS
SM
MD
LG