Đường dẫn truy cập

Trung Quốc, các đảo ở Thái Bình Dương không đạt được đồng thuận về hiệp ước khu vực


Tổng thống Fiji, Ratu Wiliame Katonivere (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Suva, Fiji, Thứ Hai, ngày 30/5/2022.
Tổng thống Fiji, Ratu Wiliame Katonivere (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Suva, Fiji, Thứ Hai, ngày 30/5/2022.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai 30/5 kêu gọi khu vực Thái Bình Dương đừng "quá lo lắng" về các mục tiêu của đất nước ông sau cuộc họp với những người đồng cấp từ 10 quốc đảo hoãn lại việc xem xét một thông cáo thương mại và an ninh sâu rộng.

Ông Vương chủ trì cuộc họp qua video với các ngoại trưởng của các quốc đảo Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc giữa chuyến công du khu vực nơi mà Bắc Kinh tham vọng thiết lập các mối quan hệ an ninh rộng lớn hơn đã khiến các đồng minh của Mỹ lo ngại.

Dự thảo thông cáo chung và kế hoạch hành động 5 năm được Trung Quốc gởi tới các quốc gia được mời trước cuộc họp cho thấy Trung Quốc đang mưu tìm một thỏa thuận thương mại và an ninh sâu rộng trong khu vực.

Nhưng dự thảo thông cáo, được Reuters loan tin đầu tiên, đã gặp phải sự phản đối từ ít nhất một trong những quốc gia được mời là Liên bang Micronesia, theo một bức thư bị rò rỉ vào tuần trước. Các quốc gia khác muốn sửa đổi thông cáo hoặc trì hoãn quyết định, một quan chức từ một quốc gia Thái Bình Dương nói với Reuters trước cuộc họp.

Niue cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp rằng họ muốn có thời gian để xem xét đề xuất của Trung Quốc vì nó bao hàm các lợi ích chiến lược trong khu vực.

Sau cuộc họp bao gồm Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Niue và Vanuatu, ông Vương cho biết cần có các cuộc thảo luận thêm để tạo thêm sự đồng thuận.

Ông Vương cho biết một số người đã đặt câu hỏi về động cơ của Trung Quốc khi hoạt động tích cực ở các đảo ở Thái Bình Dương và ông trả lời rằng Trung Quốc hỗ trợ các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và Caribe.

Ông nói: “Đừng quá lo lắng và cũng đừng quá căng thẳng, bởi vì sự phát triển và thịnh vượng chung của Trung Quốc cũng như tất cả các nước đang phát triển khác chỉ có nghĩa là hòa hợp tốt đẹp, công bằng hơn và tiến bộ hơn của toàn thế giới”.

Đại sứ Trung Quốc tại Fiji, Qian Bo, cho biết trong khi trả lời các câu hỏi sau cuộc họp báo rằng các đại biểu đã đồng ý thảo luận về dự thảo thông cáo chung và kế hoạch 5 năm "cho đến khi chúng tôi đạt được thỏa thuận."

"Đã có sự ủng hộ chung từ 10 quốc gia mà chúng tôi có quan hệ ngoại giao, nhưng tất nhiên có một số lo ngại về một số vấn đề cụ thể." Nhưng ông không nói rõ vấn đề nào.

"Chúng tôi muốn có thời gian để xem xét thỏa thuận với Trung Quốc sẽ hỗ trợ các kế hoạch khu vực hiện tại như thế nào để đảm bảo rằng các ưu tiên của chúng tôi phù hợp và sẽ có lợi cho tất cả chúng ta vì sự thịnh vượng của khu vực", Thủ hiến Niue, Dalton Tagelagi, cho biết trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp.

Tổng thư ký của Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương, Henry Puna, tại cuộc họp đã kêu gọi Trung Quốc làm việc với khu vực về các ưu tiên của họ, đó là biến đổi khí hậu và phục hồi sau COVID-19, và thông qua các cơ chế đã được thống nhất, theo một tuyên bố từ diễn đàn.

Đây là nhóm chính của khu vực, với 18 thành viên bao gồm các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Đài Loan chứ không phải Bắc Kinh.

Hai quốc gia có quan hệ với Đài Loan, Palau và Tuvalu, gần đây cho biết họ lo ngại rằng các hòn đảo ở Thái Bình Dương sẽ trở thành con tốt trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường.

Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và New Zealand đã bày tỏ lo ngại về một hiệp ước an ninh mà Quần đảo Solomon ký với Trung Quốc hồi tháng trước. Các nước này nói rằng hiệp ước đó sẽ có những hậu quả trong khu vực và có thể dẫn đến sự hiện diện quân sự của Trung Quốc gần Úc và ở một vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương.

(Theo Reuters)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG