Đường dẫn truy cập

Trung Quốc vận hành hải đăng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông


Các hoạt động xây cất của Trung Quốc trên Đá Subi trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ảnh chụp ngày 11/5/2015.
Các hoạt động xây cất của Trung Quốc trên Đá Subi trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ảnh chụp ngày 11/5/2015.

Trung Quốc bắt đầu vận hành một ngọn hải đăng trên Đá Subi đã được bồi đắp thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với bãi đá này nhưng Trung Quốc hiện đang kiểm soát trên thực tế.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin hôm 5/4 rằng ngọn hải đăng cao 55 met có công nghệ theo dõi các tàu bè đi ngang qua. Ngoài ra, trên Đá Subi còn có trạm nhận biết tàu thuyền tự động và trạm radar cao tần mà Bắc Kinh nói là để "phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị" cho tàu thuyền qua lại.

Tân Hoa xã cũng cho biết ánh sáng của ngọn hải đăng vào ban đêm sẽ giúp điều hướng và định vị, dẫn đường cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực, điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp khẩn cấp khi biển động hoặc có bão.

Ông Lục Khảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói ngọn hải đăng có mục đích phục vụ công ích ở Biển Đông, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, có ích cho các bên hoạt động thương mại ở vùng biển.

Không có tin tức về phản ứng chính thức của Việt Nam về sự kiện này trong lúc báo chí Việt Nam đã đưa tin rộng rãi và gọi hải đăng của Trung Quốc là “xây dựng trái phép” hoặc “phi pháp”.

Trung Quốc còn có hai hải đăng khác trong vùng, một trên Đá Châu Viên và một trên Đá Gạc Ma mà Trung Quốc giành từ Việt Nam trong một cuộc đụng độ đẫm máu năm 1988.

Đá Subi là một bãi nửa chìm nửa nổi, hoàn toàn ngập dưới nước khi thủy triều lên. Trong khoảng 1 năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo. Theo Công ước Quốc tế về Luật biển, Subi không có hải phận 12 hải lý xung quanh, kể cả sau khi được xây thành đảo nhân tạo.

Hồi tháng 10/2015, Mỹ đã đưa tàu khu trục USS Lassen đi vào vùng 12 hải lý quanh Subi để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, dẫn tới phản ứng gay gắt của Bắc Kinh. Trung Quốc nói hành động đó của Mỹ là “cực kỳ vô trách nhiệm”.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi lượng thương mại bằng đường biển trị giá lên đến 5 nghìn tỷ đôla qua lại hàng năm. Biển Đông cũng được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào. Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần Biển Đông.

Theo Reuters, Time.com

TQ vận hành hải đăng trên đảo nhân tạo ở Biển Đông
please wait

No media source currently available

0:00 0:00:47 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG