Đường dẫn truy cập

Mỹ có thể tuần tra 'tự do hàng hải' lần thứ ba ở Biển Đông


Tàu USS Fort Worth (LCS 3) trong cuộc tuần tra trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen. (Ảnh: US Navy/Joe Bishop).
Tàu USS Fort Worth (LCS 3) trong cuộc tuần tra trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông với tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen. (Ảnh: US Navy/Joe Bishop).

Hải quân Mỹ có thể tiến hành cuộc tuần tra lần thứ ba để khẳng định tự do hàng hải ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo ở vùng biển có nhiều tranh chấp này.

Hồi tháng 10/2015 và tháng 1/2016, Mỹ đã tiến hành hai cuộc tuần tra khẳng định tự do hàng hải, gọi tắt là FONOP, bằng cách đưa các khu trục hạm đi vào vùng 12 hải lý quanh một hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam và Trung Quốc đều có yêu sách chủ quyền đối với 2 quần đảo này.

Reuters dẫn nguồn tin thân cận với việc lập kế hoạch cho hay cuộc FONOP thứ 3 của Hải quân Mỹ sẽ được tiến hành vào đầu tháng Tư này.

Các chuyên gia dự đoán cuộc tuần tra lần này có thể diễn ra gần bãi đá Vành Khăn, còn gọi là Mischief. Bãi đá này là một trong các bãi đá, bãi cạn mà Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo vào năm 2014 và cho xây 3 đường băng cho phi cơ quân sự tại những nơi đó. Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan đều tuyên bố có chủ quyền đối với bãi đá này.

Điểm đặc biệt của Đá Vành Khăn nằm ở chỗ nó là một thực thể biệt lập, không nằm trong bán kính 12 hải lý của đảo, bãi san hô hay bãi cạn nào khác. Thêm vào đó, trước khi Trung Quốc bồi đắp, Đá Vành Khăn hoàn toàn bị ngập khi thủy triều lên, nên theo luật pháp quốc tế nó không có hải phận.

Vì các điều đó, một cuộc tuần tra FONOP bên trong vùng bán kính 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn là điều cần thiết để khẳng định cụ thể quyền tự do hàng hải ở biển khơi.

Cho đến nay, Mỹ vẫn miễn cưỡng đối với việc thực hiện một cuộc FONOP có tính chất như vậy, có thể để tránh phản ứng tiêu cực mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Để khẳng định tự do hàng hải ở biển khơi, tàu của Hải quân Mỹ sẽ cần phải có các hoạt động trái với việc đi qua vô hại, như cho máy bay trực thăng cất cánh từ tàu, khi tàu chạy vẫn mở radar điểu khiển hỏa lực, và thậm chí là thu thập thông tin tình báo.

Hải quân Mỹ tiến hành FONOP ở mọi đại dương trên thế giới để thể hiện việc Mỹ coi những tuyên bố chủ quyền của một số nước là “quá đáng”. FONOP có mục đích hàng đầu là thách thức những mưu toan hạn chế tự do hàng hải hợp pháp được quy định trong luật pháp quốc tế.

Tuy Mỹ đã thực hiện các hoạt động FONOP song luôn khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hôm thứ Bảy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói nước này phản đối hoạt động FONOP nếu nó vi phạm chủ quyền của họ.

"Trung Quốc luôn tôn trọng và hỗ trợ tự do hàng hải và hàng không mà tất cả các nước đều hưởng ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ nước nào sử dụng cái gọi là ‘tự do hàng hải’ như một cái cớ để làm tổn hại chủ quyền, an ninh và các quyền hàng hải của Trung Quốc", ông Hồng nói.

Theo The Diplomat, Postguam.

Mỹ có thể tuần tra “tự do hàng hải” lần thứ ba ở Biển Đông
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:11 0:00
XS
SM
MD
LG