Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tìm cách đứng bên lề cuộc khủng hoảng ở Syria


Một người cha bế đứa con vừa mới được phẫu thuật, vì trúng đạn ở vai, tại một bệnh viện dã chiến ở thành phố Maraat al-Numan, Syria
Một người cha bế đứa con vừa mới được phẫu thuật, vì trúng đạn ở vai, tại một bệnh viện dã chiến ở thành phố Maraat al-Numan, Syria
Trung Quốc và Nga đã bị chỉ trích nặng nề vì không chịu ủng hộ các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc áp đặt cho chính phủ Syria. Nay khi một số quốc gia Tây phương đã bắt đầu chính thức ủng hộ phe đối lập ở Syria, và áp lực ngày càng tăng đòi các giới chức Trung Quốc phải can dự.

Giao tranh tiếp tục bùng lên ở Syria trong tuần này trong khi Anh quốc cùng với Pháp thừa nhận một khối đối lập mới vừa được thành lập của phe nổi dậy ở Syria. Các nước khác trong đó có Hoa Kỳ chưa thừa nhận nhóm này, nhưng đã nhiều lần kêu gọi áp dụng các biện pháp chế tài đối với chính phủ của Tổng thống Syria Bashir al-Assad.

Bất kể áp lực ngày càng tăng đòi Trung Quốc góp phần thúc đẩy việc lật đổ ông Assad, lập trường của Trung Quốc vẫn không thay đổi:

Khi được hỏi về việc Anh Quốc ủng hộ phe đối lập Syria, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc luôn tin rằng giải pháp chính trị là lối thoát đúng đắn duy nhất cho vấn đề Syria. Bà Hoa nói bất kỳ hành động nào của cộng đồng quốc tế đểu phải tạo thuận lợi cho việc kết thúc mọi bạo lực ở Syria, thúc đẩy tiến trình giải pháp chính trị cho vấn đề Syria và duy trì hòa bình ổn định cho vùng Trung Ðông.

Trung Quốc đã hai lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đề nghị chế tài chính phủ Syria. Một số chuyên gia cho rằng áp lực đòi Trung Quốc phải có một lập trường vững chắc về các vụ khủng hoảng quốc tế như tình hình ở Syria sẽ chỉ tăng thêm, vào lúc sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc gia tăng.

Ông Kerry Brown, Giám đốc Ðiều hành Trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc tại trường Ðại học Sydney, nói:

“Giữ vững một lập trường ngoại giao đã có từ lúc nền kinh tế còn khá nhỏ và đang phát triển cách đây nhiều thập niên, là điều dường như hơi lạ. Do đó tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ buộc phải có lập trường về những vấn đề trước đây họ muốn tránh xa.”

Trung Quốc đứng trước một thế nan giải tương tự ở Libya về việc liệu có ủng hộ phe nổi dậy ở đó hay ủng hộ đồng minh lâu đời của chính phủ Trung Quốc là ông Muammar Qaddafi. Nga và Trung Quốc đã không bỏ phiếu về nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép thực hiện một chiến dịch của NATO trên không phận Libya. Nghị quyết đó đã dẫn đến việc NATO can thiệp vào Libya và lật đổ chế độ của ông Qaddafi.

Trung Quốc có các lợi ích kinh tế to lớn ở Libya, với việc đầu tư vào các dự án xây dựng lên tới 18 tỷ đôla, theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc. Libya cũng là nơi có 35 ngàn công nhân di trú của Trung Quốc, mà Trung Quốc đã phải cho sơ tán khi chiến tranh bùng nổ.

Tuy nhiên, các quyền lợi của Trung Quốc ở Syria rất khác. Bà Sarah Raine, một học giả tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Sách lược, cho rằng điều chung cuộc là ở Syria, Trung Quốc đang đứng trước một tình thế thất lợi về mọi mặt, bởi lẽ một đằng thì Bắc Kinh chẳng ưa gì ông Assad, nước này lại chẳng có tài sản gì to lớn, về mặt tài nguyên trong nước, và thậm chí cũng chẳng có sự hiện diện nào đáng kể của Trung Quốc để quan tâm.

Trước đây trong tháng này, Trung Quốc có đề xuất một đề nghị hòa bình 4 điểm cho Syria, kêu gọi một cuộc ngưng bắn và lập một ủy ban để thương nghị một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Trong khi một số chuyên gia nói kế hoạch này là một bước hướng tới việc Trung Quốc trở thành một thành viên quốc tế dự phần có trách nhiệm, nhiều người khác lại cho rằng đề xuất vừa kể không có tác dụng gì trong việc giải quyết vụ khủng hoảng.

Tuy Bắc Kinh có thể muốn giữ nguyên tư thế đứng bên lề cuộc xung đột vào lúc này, ông Kerry Brown nói rằng sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc có nghĩa là họ có thể đóng một vai trò ngoại giao lớn hơn. Ông nói:

“Liệu ta có thấy một thế giới trong đó Trung Quốc sẽ bắt đầu can dự vào các vấn đề quản trị và các vấn đề giao vật phẩm cứu trợ nhân đạo, và can thiệp vào các lãnh vực khác không ảnh hưởng trực tiếp đến họ? Liệu chúng ta, nhất là các cường quốc tây phương, Hoa Kỳ, châu Âu và Australia, có hài lòng nhìn thấy điều đó? Một mặt họ có thể sẵn sàng, nhưng mặt khác thì ta có thể liệu Trung Quốc có trở nên quá nổi bật hay chăng?”

Trong tình hình vụ đổ máu ở Syria vẫn tiếp tục, áp lực quốc tế dự kiến sẽ gia tăng đòi Trung Quốc ủng hộ phe nổi dậy ở Syria. Các thành viên của nhóm Thân hữu với Syria, vẫn ủng hộ phe đối lập Syria, sẽ họp ở Tokyo vào ngày 30 tháng này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG