Đường dẫn truy cập

Ân Xá Quốc Tế: Trung Quốc thay thế các trại lao cải bằng 'nhà tù đen'


Nhà hoạt động nhân quyền Liu Dejun nhìn qua một căn phòng trong một 'nhà tù đen' ở Bắc Kinh.
Nhà hoạt động nhân quyền Liu Dejun nhìn qua một căn phòng trong một 'nhà tù đen' ở Bắc Kinh.
Hồi đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc loan báo sẽ đóng cửa các trại lao cải trong nước, thay đổi một đạo luật đã được áp dụng hơn 50 năm. Tuy nhiên, tổ chức nhân quyền Ân Xá Quốc tế tố cáo hệ thống trại lao cải chỉ được thay thế bằng các trung tâm giam giữ khác tiếp tục bỏ tù những người bất đồng chính kiến hay tôn giáo. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Shannon Van Sant ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Kể từ khi Trung Quốc loan báo việc chấm dứt chế độ cải tạo bằng lao động, tổ chức Ân xá Quốc tế báo cáo rằng nhà cầm quyền đang bịt miệng ngày càng nhiều những người khiếu tố, các nhân vật bất đồng chính kiến và thành viên của phong trào Pháp Luân Công qua những nhà tù đen và các trung tâm phục hồi ma túy.

Bà Roseann Rife, Giám đốc Nghiên cứu Ðông Á của Hội Ân xá Quốc tế, cho biết:

“Các cá nhân bị gửi đến các trại này đang ngày càng bị chuyển tới các nhà tù đen, tức là các cơ sở giam giữ không chính thức, không có giấy tờ.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận có xảy ra việc này và nêu thắc mắc về tính trung thực của các báo cáo của Hội Ân xá Quốc tế.

Khi được hỏi về thông cáo báo chí của Hội Ân xá Quốc tế, nữ phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói tổ chức này luôn có thành kiến chống lại Trung Quốc và đưa ra nhiều nhận định vô trách nhiệm.

Chế độ cải tạo bằng lao động được thiết lập vào năm 1957, và Trung Quốc cho hay có 350 trại lao cải trên khắp nước với 160 ngàn trại viên. Tháng trước, Trung Quốc cam kết đóng cửa các trại này trong khuôn khổ một loạt cải cách công bố vào lúc kết thúc Hội nghị Trung ương ba của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quần áo treo trước cửa ra vào của căn nhà gạch một tầng, được biết đến như một 'nhà tù đen' ở Bắc Kinh.
Quần áo treo trước cửa ra vào của căn nhà gạch một tầng, được biết đến như một 'nhà tù đen' ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Hội Ân xá Quốc tế đã tiến hành hơn 60 cuộc phỏng vấn với các trại viên cũ, thân nhân và luật sư của họ và kết luận rằng một số trại lao cải đã chỉ đổi tên mà thôi. Các nhà nghiên cứu nói nhiều trại đã biến thành những trung tâm phục hồi ma túy cưỡng bách nơi những người sử dụng ma túy bị buộc phải là công tác nhà máy. Hội báo cáo đã ghi nhận con số ngày càng tăng những người bị cho là điên và bị giam giữ một cách bất hợp pháp trong các bệnh viện tâm thần của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây những người bị giam giữ đã mô tả việc bị đối xử tàn tệ trong các trại lao cải của Trung Quốc, kể cả việc bị đánh đập bằng roi điện, tra tấn, không cho ăn và buộc phải chích những loại thuốc không rõ là thuốc gì.

Bà Rife của Hội Ân xá Quốc tế nói việc tra tấn đó tiếp tục tại những nơi giam giữ bên ngoài hệ thống tư pháp.

“Tra tấn là một vấn đề tại các cơ sở giam giữ, và chúng tôi đã thấy rất nhiều lời bàn tán về cải cách và luật lệ mới và tìm cách giải quyết. Nhưng trừ phi chúng tôi bắt đầu nhìn thấy khả năng những trường hợp này được đưa ra tòa xét xử và bị truy tố về những hành vi tra tấn và ngược đãi, thì có phần chắc sẽ không nhìn thấy được tác động mà ngay cả nhà cầm quyền Trung Quốc đang tìm cách hoàn thành.”

Trung Quốc chưa thông bào điều gì sẽ xảy ra cho các tù nhân trại lao cải hiện thời và hệ thống nào sẽ chính thức thay thế các trại lao động cải tạo. Bà Rife nói điều này phải được xác định rõ ràng.

“Liệu có một kế hoạch chính thức để đóng cửa các trại này, và cái gì sẽ thay thế chúng? Và chính xác tình trạng pháp lý của những người đã được tha là gì, hay họ vẫn phải ở lại trong các trại?”

Ngoài việc xác minh các chi tiết của kế hoạch đóng cửa các trại lao cải, Hội Ân xá Quốc tế cho rằng Trung Quốc nên giải quyết vấn đề cơ bản là xách nhiễu dân chúng vì họ thực thi các niềm tin chính trị và tôn giáo, đồng thời chấm dứt toàn bộ việc giam giữ tùy tiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG