Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tăng cường hợp tác tình báo, an ninh với Việt Nam, Thái Lan, Campuchia 


Cờ Trung Quốc và Việt Nam tung bay trước Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 11/5/2017.
Cờ Trung Quốc và Việt Nam tung bay trước Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 11/5/2017.

Trung Quốc đạt được “sự đồng thuận rộng rãi” với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia về hợp tác an ninh và tình báo sau khi Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc Trần Nhất Tân đến thăm ba quốc gia Đông Nam Á này trong chuyến công du 10 ngày kết thúc hôm 11/11.

Thông tin từ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc được Hoàn cầu Thời báo (Global Times) trích dẫn cho biết người đứng đầu cơ quan chống gián điệp của Trung Quốc đã tới Việt Nam, Thái Lan và Campuchia theo lời mời của ba nước Đông Nam Á và gặp gỡ cũng như hội đàm với các quan chức cấp cao trong chuyến thăm và làm việc bắt đầu từ ngày 2/11.

Cũng đưa tin về chuyến công du Đông Nam Á của ông Trần, tờ South China Morning Post nói rằng đây là một chuyến thăm nước ngoài hiếm hoi của người đứng đầu Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Theo tờ báo có trụ sở ở Hong Kong, bộ này thường hoạt động kín đáo và hiếm khi có chuyến đi nước ngoài của bộ trưởng.

Truyền thông Việt Nam do nhà nước quản lý không đưa bất kỳ thông tin nào về chuyến thăm của ông Trần.

Theo thông tin của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc được Hoàn cầu Thời báo trích dẫn, tại Việt Nam, ông Trần gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và hội đàm với các quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam trong thời gian thăm. Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không cho biết ông Trần ở thăm Việt Nam cụ thể vào khi nào trong 10 ngày công du Đông Nam Á.

Vẫn theo bộ này, ông Trần gặp mặt Thủ tướng Srettha Thavisin tại Thái Lan và Thủ tướng Hun Manet tại Campuchia.

Tại Hà Nội, ông Trần và ông Thưởng nói rằng hợp tác an ninh là “một phần quan trọng” trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng như giữa hai đảng Cộng sản cầm quyền của họ. Theo tuyên bố của bộ được SCMP dẫn lại, ông Trần và ông Thưởng cũng nhất trí “tăng cường hơn nữa hợp tác thực tế trong lĩnh vực tình báo, an ninh”.

Ngoài việc được ông Thưởng tiếp đón, theo SCMP, ông Trần đã gặp mặt hai thành viên của Bộ Chính trị Việt Nam – Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên – trong chuyến thăm này.

Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cho biết tại Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, ông Trần và các lãnh đạo ba nước Đông Nam Á đã “đi sâu trao đổi quan điểm về việc tăng cường hợp tác tình báo, an ninh và các vấn đề cùng quan tâm giữa Trung Quốc và ba nước, đạt được sự đồng thuận rộng rãi”.

Chuyến công du Đông Nam Á của ông Trần diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường tập trung vào an ninh quốc gia sau khi luật chống gián điện mới được thông qua và Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước sửa đổi, theo SCMP. Một số vụ việc gây tranh cãi đã xảy ra trong những năm gần đây khi các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc ở Đông Nam Á bị bàn giao cho Bắc Kinh.

Hồi tháng 2 vừa qua, Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam giao nộp nhà hoạt động người Hoa đang xin tị nạn chính trị chờ định cư Canada, Đổng Quảng Bình, cho Trung Quốc. Con gái nhà hoạt động họ Đổng sau đó cho VOA biết cha cô đã bị bắt tại Hà Nội và cáo buộc rằng đây là một âm mưu “bẩn thỉu” giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trước đó, hồi năm 2015, chủ hiệu sách chính trị ở Hong Kong có quốc tịch Thụy Điển Quế Dân Hải (Gui Minhai) biến mất trong kỳ du lịch ở Thái Lan và sau đó bị Trung Quốc kết án tù vào năm 2020 vì “cung cấp thông tin tình báo trái phép cho các thực thể ở nước ngoài”.

Chuyến thăm của ông Trần cũng đánh dấu thời điểm Việt Nam và hai quốc gia Đông Nam Á kể trên ngày càng trở nên quan trọng đối với mối quan tâm chiến lược của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.

Theo Hoàn cầu Thời báo, hợp tác về nhiều mặt ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN khi Thứ trưởng Ngoại giao nước này, ông Tôn Vệ Đông và người đồng cấp phía Việt Nam, Nguyễn Minh Vũ, đã có cuộc gặp mặt hôm 9/11 ở Hà Nội để đàm phán về các vấn đề biên giới.

Cơ quan ngôn luận của Trung Quốc cho hay hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ Trung-Việt, các vấn đề biên giới lãnh thổ và hàng hải “trong bầu không khí thẳng thắn và thân thiện”.

Thông tin về cuộc gặp mà trước đó không được Bắc Kinh tiết lộ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 10/11 nói rằng hai thứ trưởng đã nhất trí nỗ lực biến biên giới đất liền Trung-Việt thành biên giới “hòa bình vĩnh viễn”, theo Reuters.

Các cuộc gặp giữa các quan chức Trung Quốc và Việt Nam diễn ra khi có thông tin Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tới thăm Việt Nam sau khi Hà Nội và Washington nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Reuters tháng trước đưa tin rằng các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập tới Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Nhưng theo hãng tin Anh, ba nhà ngoại giao ở Hà Nội sau đó cho biết chuyến thăm có thể bị hoãn đến tháng 12.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG