Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Một đề tài của cuộc tranh luận tổng thống


Tổng thống Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney tranh luận tại đại học Hofstra ở New York, ngày 16/10/2012
Tổng thống Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney tranh luận tại đại học Hofstra ở New York, ngày 16/10/2012
Các chính sách kinh tế của Trung Quốc đã bị chỉ trích trong cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ đêm qua. Theo tường thuật của thông tín viên VOA William Ide từ Bắc Kinh, cả hai ứng cử viên đã mượn Trung Quốc làm mục tiêu trách cứ và công cụ tấn công lẫn nhau, và khơi ra phản ứng nhẹ từ phía Bắc Kinh.

Trong khi phần lớn cuộc tranh luận lần thứ nhì giữa hai ứng cử viên tổng thống tập trung vào các vấn đề quốc nội, Tổng thống Barack Obama và đối thủ là thống đốc Mitt Romney đã dồn sự chú ý khá nhiều vào Trung Quốc. Cả hai đã bày tỏ quan ngại về các chính sách tiền tệ, thương mại, và nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đã xuất hiện ra sao trong các kế hoạch hưu bổng của họ.

Trong ngày đầu tiên giữ chức tổng thống, tôi sẽ chính thức tuyên bố Trung Quốc là một nước thao túng chỉ tệ...
Thống đốc Mitt Romney.
Ông Mitt Romney cam kết sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc nếu ông đắc cử.

Ông Romney nói: “Trung Quốc đã là một nước thao túng tiền tệ trong nhiều năm liên tục. Và tổng thống luôn luôn có cơ hội để gắn cho họ nhãn hiệu thao túng chỉ tệ, nhưng ông ấy đã không làm như vậy. Trong ngày đầu tiên giữ chức tổng thống, tôi sẽ chính thức tuyên bố Trung Quốc là một nước thao túng chỉ tệ, và như vậy, trong trường hợp cần thiết, tôi sẽ có thể áp đặt những thuế suất nhập khẩu đối với các mặt hàng của Trung Quốc mà tôi tin là họ có ưu thế không công bằng đối với các nhà sản xuất của chúng ta.”

Chỉ tệ của Trung Quốc đã tăng 11% kể từ khi tôi giữ chức tổng thống vì chúng tôi đã mạnh tay với họ. Và chúng tôi đã gây nên những sức ép thương mại trước đây chưa từng có đối với Trung Quốc.
Tổng thống Obama.
Nhưng Tổng thống Obama lập luận rằng chủ trương của chính quyền ông đã đem lại kết quả.

Ông Obama nói: “Về vấn đề thao túng tiền tệ, chỉ tệ của Trung Quốc đã tăng 11% kể từ khi tôi giữ chức tổng thống vì chúng tôi đã mạnh tay với họ. Và chúng tôi đã gây nên những sức ép thương mại trước đây chưa từng có đối với Trung Quốc. Đó là lý do vì sao xuất khẩu đã gia tăng trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Và sự kiện đó sẽ giúp tạo công ăn việc làm trong nước.”

Bất kể lời chỉ trích đôi lúc rất gay gắt đã được đưa ra trong cuộc tranh luận, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã có phản ứng nhẹ nhàng. Khi được hỏi về lời chỉ trích và quan điểm tiêu cực về Trung Quốc ở Mỹ, ông Hồng Lỗi đã tập trung vào cơ hội phát triển mà Trung Quốc đem lại cho cả hai nước.

Ông Hồng nói Trung Quốc hy vọng các chính trị gia của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Hoa Kỳ có thể nhìn những sự kiện phát triển của Trung Quốc một cách công bằng và khách quan, và tích cực hỗ tợ cho sự lớn mạnh của bang giao Trung-Mỹ. Ông cũng nói Trung Quốc hy vọng các ứng cử viên có thể nhận thức được bản chất lợi ích của quan hệ kinh doanh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ông Hồng Lỗi thẳng thừng phủ nhận việc Trung Quốc thao túng tiền tệ và nói thêm ông hy vọng sau cuộc bầu cử, các ứng cử viên Hoa Kỳ sẽ có nhiều biện pháp thêm để tăng cường sự tín nhiệm giữa hai nước.

Nhưng cũng có các dấu hiệu mới cho thấy sự tin tưởng đang mờ nhạt dần giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sau một loạt những vụ giằng co về chính sách có liên quan đến những vấn đề như tập tục thương mại, thành tích nhân quyền của Trung Quốc, và điều được gọi là sự “chuyển trọng điểm” sách lược của Hoa Kỳ hướng về châu Á.

Một cuộc thăm dò mới của Trung tâm Nghiên cứu Pew vừa công bố cho thấy những dè dặt đối với bang giao với Hoa Kỳ đang gia tăng trong công chúng Trung Quốc.

Cuộc thăm dò cho thấy điểm tán thành dành cho Hoa Kỳ và Tổng thống Obama đã sụt giảm đáng kể và tỷ lệ người Trung Quốc mô tả bang giao với Mỹ mang tính hợp tác đã tụt từ 68% xuống tới mức 39%.

VOA Express

XS
SM
MD
LG