Đường dẫn truy cập

Trung Quốc đẩy mạnh yêu cầu hợp tác dẫn độ


Ông Lai Changxing bị dẫn độ từ Canada về Bắc Kinh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 23/7/2011.
Ông Lai Changxing bị dẫn độ từ Canada về Bắc Kinh tại sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 23/7/2011.

Trung Quốc đang đẩy mạnh yêu cầu hợp tác truy lùng nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc muốn dẫn độ các nghi phạm, nhưng nhiều nước phương Tây kể cả Hoa Kỳ, ngần ngại ký hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh vì các cáo giác vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

‘Khá nhiều các quan chức tham nhũng đã rời khỏi Trung Quốc tới phương Tây và nhiều nước khác,’ ông Willy Lam, giáo sư trợ giảng môn chính trị Trung Quốc tại Đại học Trung Văn Hong Kong cho biết. ‘Cho nên, khoảng hai năm trước, giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm bảo đảm rằng những quan chức tham nhũng sẽ bị dẫn độ về Trung Quốc.’

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, trong một thông cáo đăng lên website tuần này, nhấn mạnh Trung Quốc ‘phải tăng cường hợp tác-phối hợp với các nước mà các phần tử tham nhũng chạy trốn sang đó, bày tỏ rõ ràng lập trường, thu hẹp cách biệt, tìm kiếm sự hỗ trợ, và bác bỏ việc cung cấp nơi trú ẩn cho các thành phần tham nhũng.’

Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch truy quét tham nhũng trên diện rộng, bắt hàng trăm nghi phạm, khiến nhiều người bỏ trốn ra nước ngoài. Chính quyền Trung Quốc gọi cuộc truy lùng nghi phạm ở nước ngoài là ‘Chiến dịch săn cáo.’

Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa sẵn lòng hỗ trợ Trung Quốc trong việc truy lùng các nghi phạm này. Giới bảo vệ nhân quyền và chính phủ Hoa Kỳ chỉ trích quy trình mà Trung Quốc gọi là ‘song quy’, hệ thống giam giữ các nghi phạm tham nhũng không chịu bất cứ sự giám sát nào của các cơ quan tư pháp và cũng không bị điều chỉnh bởi quy định nào của pháp luật.

William Nee, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết quy trình ‘song quy’ không được tiến hành bởi công an, mà bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đơn vị kỷ luật chính của Đảng Cộng sản. Ông Nee cho biết ‘Người ta có thể bị giữ trong song quy rất lâu, không được gặp thân nhân hoặc tiếp xúc với luật sư. Đã có những trường hợp bị ngược đãi và tra tấn trong song quy.’

Bất chấp các mối quan ngại và chỉ trích từ giới luật sư và giới hoạt động nhân quyền về chiến dịch truy quét tham nhũng, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục vận động hợp tác dẫn độ. Trước đây trong tháng, ông Hoàng Thục Hiền, Phó Trưởng ban Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đăng bài trên tạp chí Qiushi của Đảng Cộng sản bàn về dẫn độ, kêu gọi một ‘trật tự quốc tế mới để chống tham nhũng.’

Ông viết ‘Nắm bắt các yếu tố quan trọng về can phạm, tài chính, và bằng chứng.Đẩy mạnh ký kết hiệp ước dẫn độ và thiết lập hợp tác thực thi pháp luật với các nước đích đến của các nghi phạm tham nhũng.’

Ông Hoàng cũng đề nghị truyền thông nhà nước nên tích cực đăng tải tin tức về công tác chống tham nhũng của nhà nước, và chính quyền Trung Quốc nên phát triển hiểu biết sâu sắc hơn về hệ thống pháp luật của các nước khác và làm sao để họ có thể hỗ trợ chiến dịch truy quét tham nhũng của Trung Quốc.

Chừng nào Đảng Cộng sản Trung Quốc giám sát hệ thống tư pháp thì chừng đó đề nghị hợp tác quốc tế dẫn độ nghi phạm vẫn chưa thể xoa dịu những quan ngại của các nhà phân tích như bà Maya Wang, chuyên gia về Trung Quốc thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch.

Bà Wang nói ‘Quan ngại của chúng tôi là hệ thống pháp luật của Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của đảng cộng sản, và Human Rights Watch đã ghi nhận có tình trạng tra tấn trong tiến trình tố tụng hình sự ở trại giam của Trung Quốc. Vì vậy, không có gì đảm bảo rằng một khi nghi can bị dẫn độ trở lại Trung Quốc thì họ sẽ được xét xử công bằng.’

Trung Quốc nói, có một số nghi phạm không cần thiết phải dẫn độ vì họ tình nguyện hồi hương. Mới đây, nhà chức trách cho biết ông Zeng Ziheng, người có tên trong danh sách 100 nghi phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài bị truy nã gắt gao nhất, đã tự nguyện từ Canada quay về Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG