Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Đã giải quyết hòa bình chuyện Biển Đông với Việt Nam


Ảnh chụp các cơ sở do Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông ngày 21/4/2017.
Ảnh chụp các cơ sở do Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông ngày 21/4/2017.

Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông qua những cuộc thảo luận hữu nghị, một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc ngày 3/11 tuyên bố, sau những tranh cãi gay gắt hồi mùa hè giữa hai nước cộng sản láng giềng.

Hai nước từ lâu đối đầu về thủy lộ chiến lược với số lượng hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỉ đô la qua lại mỗi năm. Việt Nam nổi lên như một đối thủ lên tiếng mạnh mẽ nhất chống lại việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên đa số vùng biển này.

Cuộc gặp được dự trù vào tháng 8 giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước bên lề một hội nghị khu vực tại Manila đã bị hủy bỏ giữa những tranh cãi về việc quân sự hóa Biển Đông và xây các đảo nhân tạo.

Tuy nhiên, Hà Nội và Bắc Kinh đã tìm cách đưa các mối quan hệ trở lại đúng hướng, sau khi một nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc nói với người tương nhiệm hồi tháng 9 vừa qua là hai đảng cộng sản hai nước “cùng chia sẻ số phận”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các giới chức cao cấp Việt Nam trong tuần này tại Hà Nội.

Phát biểu trước chuyến đi thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tuần tới tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á Thái Bình Dương, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Trần Hiểu Đông, loan báo lãnh đạo hai nước đã có những cuộc thảo luận “sâu rộng và thẳng thắn” về các vấn đề hàng hải.

“Các bên đã đạt được sự đồng thuận quan trọng,” ông Trần nói tại một cuộc họp báo. “Cả hai phía sẽ tuân theo nguyên tắc tham khảo thân thiện và đối thoại để cùng nhau quản lý và kiểm soát những tranh chấp trên biển, và bảo vệ bức tranh lớn về mối quan hệ đang phát triển Việt-Trung và ổn định tại Biển Đông.”

Trung Quốc và các nước Đông Nam Á muốn và có thể tự giải quyết vấn đề Biển Đông, ông Trần nói, ám chỉ đến Hoa Kỳ. Những nhận định của Mỹ về tranh chấp Biển Đông và các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ trên thủy lộ này làm Trung Quốc tức giận.

Trung Quốc dường như không hài lòng trước những nỗ lực của Việt Nam ‘huy động’ các nước Đông Nam Á trong vấn đề Biển Đông cũng như các mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng của Hà Nội với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Vào tháng 7 năm nay, dưới áp lực của Bắc Kinh, Việt Nam đã ngưng khoan dầu ngoài khơi biển Đông mà Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.

Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã xây dựng và lấy đất lấn biển tại Biển Đông, và chắc chắn sẽ mạnh mẽ sớm xác nhận chủ quyền tại thủy lộ này, các nhà ngoại giao và các giới chức quân đội trong vùng nói.

Chủ tịch Trung Quốc, ngoài việc đến thăm Việt Nam dự APEC, cũng sẽ sang Lào, một quốc gia cộng sản từng nằm trong quỹ đạo chặt chẽ của Việt Nam, nhưng hiện nay đang ngày càng khắn khít với Bắc Kinh. Lào cũng là nơi có một vài dự án hạ tầng cơ sở quan trọng của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG