Đường dẫn truy cập

Trung Quốc, Ấn Độ tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương


Người dân Ấn Độ biểu tình chống Trung Quốc tại Mumbai ngày 13/12/2022, sau vụ đụng độ tại khu vực biên giới Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ, khiến một số binh sĩ của hai nước bị thương.
Người dân Ấn Độ biểu tình chống Trung Quốc tại Mumbai ngày 13/12/2022, sau vụ đụng độ tại khu vực biên giới Tawang thuộc bang Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ, khiến một số binh sĩ của hai nước bị thương.

Trung Quốc gia tăng nỗ lực tăng cường quan hệ an ninh với các nước ở Ấn Độ Dương trong những tuần gần đây, ký một thỏa thuận an ninh mới với Maldives và cử một phái đoàn quân sự tới ba nước trong khu vực vào đầu tháng này.

Vào ngày 4 tháng 3 năm nay, Bộ Quốc phòng Maldives thông báo đã ký một thỏa thuận hỗ trợ quân sự với Trung Quốc nhằm mục đích “thúc đẩy mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn”. Bộ này không nói rõ chi tiết về thỏa thuận.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cử một phái đoàn quân sự đi thăm 10 ngày tới Maldives, Sri Lanka và Nepal hồi đầu tháng.

Theo Bộ này, phái đoàn đã gặp Tổng thống Maldives Mohamed Muizzu và các quan chức quốc phòng của cả ba nước để thảo luận về “các vấn đề an ninh khu vực cùng quan tâm”, phát triển quan hệ quân sự song phương và thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.

Những diễn biến này xảy ra khi Ấn Độ bắt đầu rút khoảng 80 nhân viên an ninh đồn trú ở Maldives theo yêu cầu của ông Muizzu. Nhân viên an ninh Ấn Độ đã được triển khai tới quần đảo này để vận hành trực thăng và các máy bay khác thực hiện nhiệm vụ giám sát hoặc cứu hộ.

Việc này cũng diễn ra sau chuyến thăm của một tàu nghiên cứu Trung Quốc tới Maldives vào tháng trước. Các hoạt động gia tăng của tàu nghiên cứu Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong vài tháng qua đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh cho Ấn Độ. Ấn Độ lo ngại rằng Bắc Kinh có thể triển khai tàu hải quân đến khu vực dựa trên những gì thu thập được từ các hoạt động này.

Một số nhà phân tích cho rằng những diễn biến gần đây ở Ấn Độ Dương là một phần trong nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện an ninh trong khu vực. Ông David Brewster, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc gia Úc, nói với VOA qua điện thoại: “Trung Quốc đã làm như vậy trong khoảng 15 năm và đang áp dụng một cách tiếp cận cơ hội để [tăng cường hiện diện an ninh] ở Ấn Độ Dương”.

Thay vì tập trung vào việc phát triển quan hệ an ninh với một quốc gia cụ thể, ông Brewster cho biết Trung Quốc thường chờ đợi cơ hội để “nâng cao vị thế” ở một số quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương.

Trong trường hợp của Maldives, Trung Quốc “đang lợi dụng thực tế là chính phủ mới [Maldives] dưới sự lãnh đạo của ông Muizzu lên nắm quyền vào tháng 11 năm ngoái và lợi dụng cảm giác ‘đuổi Ấn Độ’ của nhiều người dân trong nước,” ông nói.

Trả lời câu hỏi về việc nhân viên an ninh Ấn Độ rút khỏi Maldives, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 12/3 nói Trung Quốc “ủng hộ Maldives bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và thực hiện hợp tác thân thiện với tất cả các bên trên cơ sở độc lập”.

Trong khi Maldives đã tăng cường trao đổi với Trung Quốc dưới thời chính phủ mới, ông Brewster cho biết vẫn chưa rõ mối quan hệ này thực chất đến mức nào. Ông nói với đài VOA: “Những bước đầu tiên trong hợp tác quân sự [giữa Trung Quốc và Maldives] khá khiêm tốn và không rõ mối quan hệ an ninh song phương sẽ phát triển như thế nào”.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ lo ngại về sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và sẽ cố gắng chống lại những nỗ lực của Bắc Kinh bằng cách mở rộng sự hiện diện hoặc tăng cường trao đổi với các nước láng giềng.

Ông Harsh Pant, Phó Chủ tịch Nghiên cứu và Chính sách Đối ngoại tại Sáng hội Nghiên cứu Quan sát ở Ấn Độ, nói: “Nếu bạn có một quốc gia có quy mô, tài nguyên và khả năng như Trung Quốc hiện diện ở Ấn Độ Dương và Nam Á, các lựa chọn của Ấn Độ sẽ bị hạn chế”.

Ấn Độ đã áp dụng một số biện pháp để tăng cường sự hiện diện và bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực có tầm quan trọng chiến lược, với 80% hàng hải toàn cầu đi qua vùng biển này.

Đầu tháng này, Ấn Độ đã công bố kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân mới trên Minicoy, hòn đảo cực nam thuộc quần đảo Lakshadweep của Ấn Độ và gần Maldives. Ông Pant cho biết New Delhi cũng đang xây dựng các cơ sở mới ở các nước khác trong khu vực như Mauritius.

Ông nói với đài VOA qua điện thoại: “Ấn Độ có cách tiếp cận riêng để quản lý sự chuyển đổi an ninh trong khu vực,” ông nói thêm rằng những nỗ lực này bao gồm thực hiện các dự án ở các nước láng giềng, nâng cao khả năng nhận thức về lĩnh vực hàng hải của Ấn Độ và thúc đẩy quan hệ đối tác với các nền dân chủ có cùng quan điểm như Mỹ và Nhật Bản.

Ông Brewster ở Úc nói những diễn biến gần đây là một phần của cuộc tranh giành ảnh hưởng liên tục giữa Bắc Kinh và New Delhi.

Ông nói với đài VOA: “Ở bất kỳ quốc đảo nào [trong khu vực], đều có một con lắc dao động qua lại giữa ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc.” Ông nói thêm rằng những thay đổi chính trị nội địa ở các nước trong khu vực thường có thể tạo ra các điều kiện có lợi cho cả Trung Quốc hoặc Ấn Độ.

Một số nhà phân tích cho rằng khu vực này sẽ trở thành một khu vực cạnh tranh địa chính trị khốc liệt giữa các cường quốc.

“Trung Quốc có thể cố gắng thiết lập thêm căn cứ hải quân, hỗ trợ trên không về mặt chiến thuật hoặc tăng cường hậu cần ở khu vực Ấn Độ Dương trong vòng thập niên tới,” ông Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, nói với VOA qua điện thoại.

Ông Kondapalli cho rằng Ấn Độ và các đồng minh có thể tăng số lượng tàu hải quân ở Ấn Độ Dương và “xây dựng” một số thỏa thuận hải quân với các nước trong khu vực. Ông nói: “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một số cuộc xung đột và tranh chấp ở mức độ thấp ở khu vực Ấn Độ Dương trong tương lai”.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG