Đường dẫn truy cập

Trung Quốc muốn tập trận với ASEAN trên Biển Đông


Ngoại trưởng Trung Quốc và các nước Asean trong cuộc gặp ở Singapore
Ngoại trưởng Trung Quốc và các nước Asean trong cuộc gặp ở Singapore

Trung Quốc muốn tổ chức tập trận chung với các quốc gia đông nam Á ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông nhưng khăng khăng yêu cầu không cho bên ngoài tham gia – một động thái mà các nhà phân tích cho rằng để làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, AFP đưa tin.

Đề xuất của Bắc Kinh, vốn cũng kêu gọi hợp tác cùng khai thác dầu khí, là một phần trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông và phản công lại Washington vốn lâu nay vẫn chống lại những hành động bành trướng của Bắc Kinh.

Động thái này được đưa ra vào lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến công du đến khu vực mà trong đó những căng thẳng trên Biển Đông sẽ có vị trí nổi bật trong nghị trình.

Tại một cuộc gặp các ngoại trưởng ở Singapore hôm thứ Năm ngày 2/8, Bắc Kinh và các nước ASEAN loan báo họ đã đồng ý về việc đàm phán nội dung của Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), AFP đưa tin.

Trước đó, các bên đã đạt đồng thuận về bộ khung của COC. Các cuộc thương thảo về COC lâu nay vẫn kéo dài không kết thúc do khác biệt lớn giữa các bên.

Theo dự thảo của COC mà AFP có được, Bắc Kinh đề xuất Trung Quốc cùng 10 nước ASEAN nên thường xuyên tổ chức tập trận chung.

Tuy nhiên, cuộc tập trận này không nên có sự tham gia của những nước bên ngoài khu vực ‘trừ phi các bên liên quan được thông báo trước và không có phản đối’.

Đề xuất này của Bắc Kinh ‘rõ ràng là nhằm vào Mỹ’, AFP dẫn lời bà Hoàng Thị Hà, chuyên viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu đông nam Á Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nhận định.

Với việc đề xuất tập trận chung, Bắc Kinh ‘muốn ngầm gửi thông điệp cho thế giới rằng Trung Quốc và ASEAN có thể làm việc cùng nhau và mọi thứ đang tiến triển rất tốt, do đó không cần thiết để bên ngoài can thiệp vào vấn đề Biển Đông,’ bà Hà nói.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đề xuất hợp tác cùng khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp nhưng một lần nữa yêu cầu những nước ngoài khu vực không được tham gia.

“Chúng tôi tin rằng nếu không có sự quấy rối từ bên ngoài thì các cuộc tham vấn về COC sẽ tăng tốc,” Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu với báo giới.

“Chúng tôi đã có bước tiến vượt bậc trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc từ quy mô cho đến chất lượng,” ông nói, và cho biết cuộc tập trận hải quân đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 10.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã gọi dự thảo COC là ‘thành tích lớn’. Tuy nhiên ông cũng nói rằng hiện còn quá sớm để nói rằng khi nào thì đàm phán kết thúc.

Cũng theo AFP thì dự thảo này cho thấy Việt Nam là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất phản đối những hoạt động của Trung Quốc so với các nước ASEAN khác. Theo đó, Việt Nam đề xuất các nước phải dừng bồi đắp đảo và thiết lập căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các nước còn lại không có dấu hiệu phản đối mạnh mẽ. Điều đó cho thấy sự kháng cự của các nước trong khu vực trước sự bành trướng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông đã suy giảm trong những năm gần đây.

Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân là các nước rất muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong khi lo ngại về cam kết của Mỹ đối với khu vực dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Ông Trump từng rút lui khỏi thỏa thuận TPP mà chính quyền tiền nhiệm của ông muốn xây dựng để tăng cường sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở khu vực nhằm đối chọi với sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG