Đường dẫn truy cập

Trump bác đề nghị ‘tạm thời mở cửa lại chính phủ’


Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14/1 bác đề xuất tạm thời mở cửa lại chính phủ trong khi các cuộc thương thảo về tường biên giới diễn ra – dấu hiệu cho thấy sẽ không có giải pháp nhanh chóng cho tình trạng đóng cửa một phần chính phủ Mỹ mà giờ đây đã bước sang tuần thứ tư.

Phát biểu trước khi rời Nhà Trắng đi New Orleans, ông Trump nói ông đã bác đề xuất của Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham là sẽ mở cửa chính phủ trong một vài tuần trong khi vẫn tiếp tục đối phó với Đảng Dân chủ về bức tường biên giới với Mexico mà lâu nay ông hứa hẹn.

“Đúng, tôi đã bác đề xuất đó,” ông Trump nói. “Tôi không thấy hứng thú. Tôi muốn vấn đề được giải quyết cho xong chứ không muốn trì hoãn.”

Ông Trump cũng cho thấy ông không còn thiết tha với ý tưởng tuyên bố tình trạng khẩn cấp như là một lối thoát. Ông nói: “Tôi không muốn tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Vấn đề rất đơn giản cho nên chúng ta không phải làm như vậy.”

Trong lúc Quốc hội quay trở lại Washington trong tuần làm việc thứ hai kể từ khi Hạ viện rơi vào tay Đảng Dân chủ, chính phủ Mỹ đã đóng cửa sang ngày thứ 24, ảnh hưởng đến công chức và dịch vụ liên bang mà vẫn chưa thấy giải pháp.

Từ Nhà Trắng, ông Trump cho rằng chỉ có ông là sẵn sàng đàm phán và lưu ý một nhóm các thành viên Dân chủ của Hạ viện và Thượng viện đang có chuyến đi đến Puerto Rico nơi bị thiên tai tàn phá hồi năm ngoái.

“Rất nhiều thành viên Dân chủ đang ở Puerto Rico ăn mừng cái gì đấy. Tôi không biết, có lẽ họ đang ăn mừng chính phủ đóng cửa,” ông Trump nói.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Chuck Schumer không có mặt trong phái đoàn đi Puerto Rico. Phát ngôn nhân cho bà Pelosi, ông Drew Hammill, hôm 14/1 viết trên Twitter: “Chủ tịch Pelosi có mặt ở DC suốt cuối tuần để làm việc ở Quốc hội.”

Ông Trump cũng chĩa mũi dùi vào bà Pelosi và ông Schumer trên Twitter. Ông cho rằng việc chính phủ đóng cửa là ‘lỗi của phe Dân chủ’. Tuy nhiên, trước đây ông từng khẳng định rằng chính phủ đóng cửa là ‘việc của ông’ và ông ‘tự hào đóng cửa chính phủ vì an ninh biên giới’. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy người Mỹ quy lỗi cho ông Trump nhiều nhất.

Vấn đề then chốt là liệu ông Trump sẽ cho Quốc hội bao nhiêu thời gian nữa. Ông Graham đã nói chuyện điện thoại với ông Trump vào sáng ngày 13/1. Ông cho biết con đường qua ải Quốc hội ‘sắp sửa bị đóng lại’ và quy lỗi cho bà Pelosi là ‘cứng nhắc’.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Coons gọi ý tưởng của ông Graham về mở cửa chính phủ trở lại là ‘một điểm khởi đầu tuyệt vời’.

“Tôi thật sự nghĩ rằng nếu Chính phủ mở cửa trở lại, nếu Tổng thống chấm dứt cuộc khủng hoảng này, chúng ta sẽ có những người có thể đàm phán làm sao đầu tư có trách nhiệm vào các công nghệ hiện đại để giúp cho chúng ta an toàn hơn,” ông Coons nói.

Ông Trump nói rằng công nghệ là tốt nhưng biên giới sẽ không được đảm bảo an toàn nếu không có bức tường.

Nhà Trắng đã chuẩn bị cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp – một việc mà cả hai Đảng ở Quốc hội đều lo ngại.

Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Thượng viện Ron Johnson thuộc Đảng Cộng hòa nói rằng ông ‘không muốn thấy’ ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp chỉ vì không xây được bức tường mà nguyên do là các nguy cơ pháp lý của hành động này. Ông cho rằng trước đây Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu cho an ninh biên giới và họ nên tiếp tục một lần nữa, ông nói.

“Tôi thật sự muốn thấy bức tường được xây dựng,” Johnson nói. “Tôi muốn duy trì áp lực lên Đảng Dân chủ để họ đến bàn đàm phán với thiện chí và cấp tiền cho những gì mà họ đã từng ủng hộ trong quá khứ.”

Ông Graham ủng hộ tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ông nói rằng thời gian đàm phán đang cạn.

“Đó là lựa chọn cuối cùng, không phải lựa chọn đầu tiên, nhưng chúng ta đang đến gần tới việc xem đó là lựa chọn duy nhất,” ông nói.

Đóng cửa chính phủ Mỹ kéo dài, chưa có dấu hiệu khả quan
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:00 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG