Đường dẫn truy cập

Tổng thống Pháp hứa bảo vệ tất cả các tôn giáo


Tổng thống Pháp cảm ơn người Ảrập về tình đoàn kết thể hiện khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố tuần trước ở Paris.
Tổng thống Pháp cảm ơn người Ảrập về tình đoàn kết thể hiện khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố tuần trước ở Paris.

Tổng thống Pháp Francois Hollande hứa nước ông sẽ bảo vệ tất cả các tôn giáo, và nói rằng người Hồi giáo là các nạn nhân chính của sự cuồng tín.

Nhưng vào lúc các ấn bản của tạp chí châm biếm gây nhiều tranh cãi bán sạch tại các quầy báo Pháp và các nơi khác ở châu Âu, các nhà lãnh đạo Hồi giáo khắp thế giới nói rằng việc tạp chí tái xuất bản và số lượng phát hành rộng rãi gây xúc phạm cho người Hồi giáo trên khắp thế giới.

Ông Hollande nói đạo Hồi và dân chủ là xứng hợp. Phát biểu hôm qua tại Viện Thế giới Ảrập ở Paris, ông cảm ơn người Ảrập về tình đoàn kết thể hiện khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố tuần trước ở Paris.

Nhưng các nhận định của ông được đưa ra vào lúc báo Charlie Hebdo phát hành rộng rãi gây thêm tranh cãi, và khơi ra lời chỉ trích từ nhiều người trong thế giới Hồi giáo, cũng như từ phía các nhà lãnh đạo tôn giáo toàn cầu.

Hôm qua, Đức giáo hoàng Phanxico tuyên bố cần có những hạn chế về tự do phát biểu, và nói rằng phỉ báng niềm tin của người khác là sai trái. Tại Ai Cập, tổng thống đã công bố một sắc lệnh cho phép thủ tướng cấm mọi sách báo nước ngoài có tính cách “xúc phạm tôn giáo.” Và ở Thổ Nhĩ Kỳ, một toà án cấm một số trang web phổ biến trang bìa của báo Charlie Hebdo.

Trả giá

Trang bìa cho thấy hình biếm hoạ của Tiên tri Muhammad cầm một biểu ngữ với dòng chữ “Tôi là Charlie” ở dưới hàng tít “Tất cả được tha thứ.”

Hôm thứ tư, người Hồi giáo ở các nước trên khắp thế giới đã tổ chức biểu tình phản đối bìa báo.

Một cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ có phổ biến các tranh biếm hoạ của Charlie Hebdo.

Người biểu tình này nói tờ báo đã phỉ báng người Hồi giáo. Ông nói những kẻ vô đạo làm việc tại tờ báo này sẽ phải trả giá cho việc làm của họ.

Sáng lập viên Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, còn gọi tắt là CAIR, ông Nihad Awad, nói người Hồi giáo phần lớn bác bỏ mọi hình ảnh, cho dù là tích cực hay tiêu cực của Tiên tri Mohammed.

Ông nói: "Nhiều tiếng nói trong thế giới Hồi giáo bày tỏ cảm tưởng là họ đã bị xúc phạm khi tạp chí đó tái xuất bản – đó là một lập trường lành mạnh và đúng đắn".

Nhưng ông nói không ai kêu gọi hành động phá hoại chống lại tạp chí này, và chỉ có một thiểu số nhỏ có lập trường đó.

Thách thức tập thể

Công ty phát hành báo Charlie Hebdo cho hay khoảng 1 triệu ấn bản đã được lưu hành hôm thư năm và một triệu nữa sẽ được in thêm vào ngày hôm nay. Tổng cộng có 5 triệu số báo dự trù sẽ được phát hành.

Ông Carool Kersten là một học giả về đạo Hồi và Thế giới Hồi giáo tại trường Đại học King’s ở London. Ông nói việc tái xuất bản tạp chí mang tính xúc phạm đối với nhiều người Hồi giáo, và đang gây ra những chia rẽ mới tại châu Âu và các nơi khác.

Bà nói: “Có lẽ người Hồi giáo có khuynh hướng diễn dịch sự kiện phát hành một khối lượng lớn như thế là một hành động thách thức tập thể, nếu có thể nhìn theo cách đó. Điều ấy, chủ yếu là lời giải thích vì sao chúng ta thấy những cuộc biểu tình trong thế giới Hồi giáo.”

Ông nói rằng cần phải có một cuộc tranh luận thực thụ về việc xác định ranh giới ở đâu khi nói về tự do phát biểu. Theo ông, đây là một vấn đề chưa giải quyết được và vẫn còn đang xảy diễn, nhưng là một vấn đề còn quá sớm để có thể đề cập đến một cách toàn diện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG