Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama phản đối chính sách chia rẽ và bạo lực


Tổng thống Obama đọc diễn văn tại hội nghị thường niên lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc
Tổng thống Obama đọc diễn văn tại hội nghị thường niên lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc
Tổng thống Barack Obama thách thức các nhà lãnh đạo thế giới nhiệt tình nói lên sự chống đối điều ông gọi là chính sách chia rẽ và bạo lực, và đối mặt với những nguyên do sâu xa hơn gây ra sự căm phẫn trong thế giới Hồi giáo. Thông tín viên VOA Dan Robinson tường trình từ New York, nơi ông Obama phát biểu trước Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Ông Obama tuyên bố các cuộc tấn công như cuộc tấn công đã gây thiệt mạng cho Ðại sứ Hoa Kỳ tại Libya Chris Stevens và 3 người Mỹ khác là một sự tấn công không những vào nước Mỹ mà cả vào các lý tưởng làm nền tảng cho Liên Hiệp Quốc.

Ông khởi đầu và chấm dứt bài phát biểu bằng lời mô tả ông Stevens là một người đã cố gắng đem lại nền dân chủ cho Libya và bắc các nhịp cầu giữa những nền văn hóa. Ông nói Hoa Kỳ sẽ kiên quyết đưa các tay sát nhân ra trước công lý.

Theo ông Obama, các nhà lãnh đạo thế giới phải lên tiếng chống lại các bản năng dùng bạo lực. Ông nói:

“Nếu chúng ta nghiêm túc về các lý tưởng đó, chúng ta phải nói lên một cách trung thực về các nguyên do sâu xa hơn của cuộc khủng hoảng. Bởi lẽ chúng ta đứng trước một sự chọn lựa giữa các lực lượng sẽ chia cách chúng ta và các hy vọng mà chúng ta cùng ấp ủ. Hôm nay, tôi phải khẳng định rằng tương lai của chúng ta sẽ được xác lập bởi những người như ông Chris Stevens, chứ không phải bởi những kẻ đã sát hại ông. Hôm nay, chúng ta phải tuyên bố rằng bạo lực và sự bất khoan dung như thế này không có chỗ đứng giữa các nước trong Liên Hiệp Quốc.”

Ông Obama gọi cuốn video bài xích Hồi giáo đã châm ngòi cho bạo lực ở nhiều nước là “thô thiển và ghê tởm” và là một sự sỉ nhục đối với những người Hồi giáo và hoa Kỳ. Nhưng ông bênh vực việc bảo vệ quyền tự do phát biểu ở nước Mỹ.

Ông cũng nhấn mạnh đến sự ủng hộ mà Hoa Kỳ dành cho điều ông gọi là “các lực lượng tạo thay đổi ” ở các nước Trung Ðông và Bắc Phi đang trải qua một thời gian chuyển biến trong Mùa xuân Ả Rập.

Theo ông Obama chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria phải cáo chung, nhưng thế giới phải tận lực bảo đảm một cuộc chuyển tiếp êm thắm.

Ông Obama nói: “Tại Syria, tương lai không phải thuộc về một nhà độc tài sát hại người dân của mình. Nếu có một lý do kêu gọi sự phản kháng trong thế giới ngày nay, một sự phản kháng ôn hòa, đó chính là một chế độ tra tấn trẻ em và bắn hỏa tiễn vào các tòa nhà chung cư. Và chúng ta phải tiếp tục can dự để bảo đảm rằng những gì bắt đầu từ chỗ người dân đòi quyền của họ không chấm dứt bằng một chu kỳ bạo động phe phái.”

Ông Obama nói một “mùa tiến bộ” đã không hạn chế trong thế giới Ả Rập. Ông viện dẫn các cuộc chuyển biến ôn hòa tại châu Phi, và tại Miến Ðiện, và nói thêm rằng tình trạng rối loạn hồi gần đây cũng chứng tỏ rằng đạt được dân chủ là công tác khó khăn.

Ông Obama nói: “Dân chủ thực sự đòi hỏi người dân không thể bị ném vào tù vì những gì họ tin tưởng, và các cơ sơ kinh doanh có thể được mở cửa mà không cần phải hối lộ. Nó tùy thuộc vào quyền tự do của người dân được bầy tỏ ý kiến của mình và hội họp mà không sợ hãi; vào nền pháp trị và tiến trình hợp lý bảo đảmg quyền lợi của tất cả mọi người. Nói cách khác, dân chủ thực sự, dân chủ thực thụ, đòi hỏi nhiều công khó.”

Ông Obama cũng nói về vụ giằng co với Iran có liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, mà Hoa Kỳ, Israel và các quốc gia khác tin là nhắm mục đích khai triển một vũ khí hạt nhân. Iran thì nói chương trình của họ nhắm mục đích hòa bình.

Khi ông đề cập đến chuyện không có “lằn ranh đỏ” cho Iran để châm ngòi cho hành động quân sự nhắm vào các cơ sở của họ, ông nói thời điểm cho một giải pháp ngoại giao không phải là vô giới hạn và Hoa kỳ sẽ làm những gì cần phải làm để ngăn chặn Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân.

Ông nói: “Xin nhớ rõ: Một nước Iran có vũ trang hạt nhân không phải là một thách thức có thể ngăn chặn được. Nó sẽ là một hiểm họa tiêu diệt Israel, nền an ninh của các nước vùng Vịnh, và sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.”

Trước khi rời New York, Tổng thống Obama đã đưa ra các nhận định tại hội nghị Sáng kiến Toàn cầu Clinton do cựu tổng thống Bill Clinton chủ trì.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney cũng phát biểu trước tổ chức này, và kêu gọi một đường lối mới về ngoại viện Hoa Kỳ. Ông gián tiếp chỉ trích các chính sách của Tổng thống Obama về Trung Ðông, và nói rằng người dân Mỹ “lo ngại” về các diễn biến ở đó.

VOA Express

XS
SM
MD
LG