Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama mạnh mẽ bênh vực thỏa thuận hạt nhân với Iran


TT Obama trả lời họp báo về thoả thuận hạt nhân Iran (VOA60)
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:10 0:00

Tổng thống Obama trả lời họp báo về thoả thuận hạt nhân Iran. (VOA60)

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Tư đã mạnh mẽ bênh vực thỏa thuận lịch sử nhằm kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân của Tehran, nói rằng thỏa thuận này đại diện cho những "phương tiện tốt nhất thế giới để bảo đảm Iran không thủ đắc vũ khí hạt nhân."

Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc rằng thỏa thuận "cắt đứt mọi ngả đường" cho Iran chế tạo bom nguyên tử. Ông tuyên bố thỏa thuận này sẽ làm cho Mỹ, các đồng minh của Mỹ và thế giới "an toàn và an ninh hơn."

Ông nói nếu Mỹ, qua quá trình duyệt xét của Quốc hội, bỏ lỡ mất cơ hội phê chuẩn thỏa thuận này, "lịch sử sẽ phán xét chúng ta một cách nghiêm khắc." Ông nói một cơ hội khác để hoàn tất một thỏa thuận với Iran "có thể không xuất hiện trong quãng đời của chúng ta."

Ông Obama gọi các cuộc đàm phán với Iran do Mỹ dẫn đầu là "sự thể hiện mạnh mẽ vai trò lãnh đạo của Mỹ." Nhưng trong suốt một giờ báo giới đặt câu hỏi, ông cố gắng bác bỏ những chỉ trích về thỏa thuận được công bố tại Vienna hôm thứ Ba, sau nhiều tuần đàm phán gây nhiều tranh cãi.

Ông vấp phải sự phản đối rộng lớn từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và những ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, những người đang tìm cách thay thế ông vào năm 2017 khi nhiệm kỳ tổng thống tám năm của ông kết thúc.

Phê chuẩn của Quốc hội

Ông Obama cho biết ông dự đoán cuộc tranh luận của quốc hội Mỹ về thỏa thuận với Iran sẽ diễn ra sôi nổi, và ông nói nên là như vậy.

Sau khi Quốc hội được chính thức trao thỏa thuận này, họ có 60 ngày để duyệt xét xem có nên bác bỏ hay không, và thậm chí nếu thỏa thuận bị bác bỏ, ông Obama đã hứa sẽ phủ quyết luật này. Nếu điều đó xảy ra, cả hai viện của Quốc hội sau đó sẽ phải huy động hai phần ba số phiếu để bác quyền phủ quyết của Tổng thống.

Thượng nghị sĩ John McCain, Đảng Cộng hòa - bang Arizona.
Thượng nghị sĩ John McCain, Đảng Cộng hòa - bang Arizona.

Nhưng một nhân vật của Đảng Cộng hòa lớn tiếng chống đối thỏa thuận này, Thượng nghị sĩ John McCain, người thua ông Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, thừa nhận với VOA rằng "có phần chắc" thỏa thuận cuối cùng sẽ được phê chuẩn.

Ông Obama nói lập luận của một số người chống đối nói rằng Iran không được có năng lực hạt nhân, thậm chí vì mục đích hòa bình, là không thực tế.

"Thế giới không đồng ý rằng Iran không thể có một chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình," Tổng thống Obama nói. Nhưng ông nói có sự đồng thuận rộng rãi rằng Iran không được có vũ khí hạt nhân.

Ông nói "sẽ có những hậu quả thực sự" đối với Iran nếu nước này vi phạm những điều khoản của thỏa thuận, bao gồm việc tái áp đặt những chế tài về kinh tế. Những chế tài này sẽ chấm dứt nếu Tehran tuân thủ thỏa thuận đã được Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Mỹ nhất trí sau nhiều tháng đàm phán

"Nếu không có thỏa thuận này," ông Obama nói, "nguy cơ xảy ra chiến tranh thậm chí còn lớn hơn ở Trung Đông, và những nước khác ở Trung Đông sẽ cảm thấy buộc lòng phải phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ."

Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng một chuỗi những sự kiện này sẽ có nguy cơ đưa tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân "trong khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới.''

Ông nói rằng Mỹ không thể kiểm soát xung đột khu vực ở Trung Đông. Nhưng ông nói rằng Mỹ có thể làm việc với các đồng minh của mình ở Trung Đông để hỗ trợ những chương trình giáo dục giúp cải thiện tình cảnh của những người nghèo khó, thanh niên ít học, do đó họ sẽ bớt nghe theo những lời kêu gọi của Nhà nước Hồi giáo gia nhập quân nổi dậy trong cuộc chiến chống lại phương Tây.

Công dân Mỹ bị Iran giam giữ

Ông Obama nói rằng Mỹ đang tiếp tục gây áp lực để Iran phóng thích ba người Mỹ bị Tehran giam giữ, trong đó có ký giả của báo Washington Post, và một người được cho là ở Iran nhưng không biết là ở đâu. Một số người chỉ trích thỏa thuận với Iran nói rằng Tổng thống không nên chấp thuận mà không đòi Iran thả bốn người này về Mỹ.

Nhà báo người Mỹ gốc Iran của tờ Washington Post hiện vẫn bị giam giữ ở Iran, Jason Rezaian, chụp cùng vợ Yeganeh Salehi.
Nhà báo người Mỹ gốc Iran của tờ Washington Post hiện vẫn bị giam giữ ở Iran, Jason Rezaian, chụp cùng vợ Yeganeh Salehi.

Tổng thống Obama nói Mỹ không đưa vấn đề tình trạng của những người Mỹ bị giam cầm vào các cuộc đàm phán hạt nhân vì việc này sẽ khiến Mỹ khó từ bỏ một thỏa thuận mà Mỹ không thích. Ông Obama nói rằng ông không muốn khuyến khích Iran sử dụng tù nhân làm thứ đem ra mặc cả trong các cuộc đàm phán.

Ông Obama cũng trả lời một số câu hỏi về những vấn đề quốc nội, nhưng có lúc ông yêu cầu báo giới đặt tiếp câu hỏi về thỏa thuận với hy vọng phản bác thêm những chỉ trích khác về thỏa thuận này, để "bảo đảm là không có vấn đề nào không được làm rõ."

Ông nói: "Nếu quý vị nghe lời một số người chỉ trích thỏa thuận này, quý vị nghĩ rằng Iran sắp sửa độc chiếm thế giới." Ông nói không hề như vậy.

Ông Obama nói thậm chí nếu Iran cuối cùng quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân sau 10 hoặc 15 năm bị quốc tế giám sát, thì Mỹ "vẫn ở một vị thế" huy động được những nước khác chống lại những nỗ lực của Tehran.

“Đó là phận sự” của những người chỉ trích, ông Obama nói, để bàn về việc tổng thống Mỹ tương lai sẽ ở trong vị thế tồi tệ hơn như thế nào về những dự định chế tạo hạt nhân của Iran nếu thỏa thuận này không được thực hiện.

Những người chống đối thỏa thuận

Những người chống đối thỏa thuận hôm thứ Tư tiếp tục lên tiếng đả kích. Một ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa đang đứng đầu các cuộc thăm dò dư luận, ông trùm bất động sản Donald Trump, gọi thỏa thuận này là "nỗi ô nhục," trong khi một ứng viên khác, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thì nói đây là "một ý tưởng tồi tệ."

Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa và một số nghị sĩ Đảng Dân chủ trong Quốc hội, cũng như những nhà lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, không đồng ý với nhận định của Tổng thống Obama về thỏa thuận.

Phát biểu trước quốc hội Israel hôm thứ Tư, ông Netanyahu nói nhà nước Do Thái không bị thỏa thuận hạt nhân Iran ràng buộc và sẽ tiếp tục chống đối.

"Chúng ta bảo lưu quyền tự vệ của chúng ta chống lại tất cả những kẻ thù của chúng ta," ông nói. "Chúng ta có sức mạnh, và sức mạnh này to lớn và đầy uy lực."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG