Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama tranh thủ hậu thuẫn cho Ukraine tại Thượng đỉnh G7


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (ảnh tư liệu).
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (ảnh tư liệu).

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm nay đến Đức để dự cuộc họp hai ngày của khối G7, qui tụ 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới.

Theo dự liệu, vụ khủng hoảng Ukraine, kể cả việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, sẽ nằm cao trong nghị trình, tuy thương mại là nghị trình chính thức của cuộc họp.

Nga nằm trong khối G8 từ năm 1998, nhưng đã bị loại ra hồi năm ngoái vì những hành động ở Ukraine.

Khi đề cập tới vụ khủng hoảng Ukraine trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Il Corriere della Sera của Italia, Tổng thống Nga Vladimir Putin tố cáo Kyiv không muốn thực thi hiệp định Minsk do Âu châu điều giải và các bên ký kết hồi tháng hai.

Ông Putin nói thoả thuận hoà bình này phải được thực thi với sự phối hợp chặt chẽ với giới lãnh đạo của hai nước Cộng hoà tự xưng Donetsk và Luhansk mà Kyiv bác bỏ.

Ông cũng nói rằng Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu nên gây sức ép với chính phủ Ukraine để họ tôn trọng thoả thuận hoà bình được phác hoạ trong hiệp định Minsk; và về phần mình, ông Putin nói Nga sẽ tạo ảnh hưởng lên giới hữu trách của các nước cộng hoà ly khai.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua nói rằng bất kể Tổng thống Vladimir Putin làm gì để đưa Nga lùi về quá khứ, “phần còn lại của thế giới và phần còn lại của Âu châu vẫn tiếp tục tiến về phía trước.” Ông Carter nói thêm rằng ông Putin sẽ bị “bỏ lại đàng sau mỗi lúc một xa.”

Tòa Bạch Ốc hôm thứ năm cho biết vì bạo động leo thang ở Ukraine, Tổng thống Obama sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo Liên hiệp Âu châu tại thượng đỉnh G7 duy trì các biện pháp chế tài Moskova vì “sự xâm lấn của họ ở miền đông Ukraine.”

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ năm thừa nhận áp lực kinh tế chưa làm cho Tổng thống Putin thay đổi “tính toán chiến lược ở Ukraine.”

Điện Kremlin nhất mực nói rằng họ không có vai trò trực tiếp trong cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine và phủ nhận tố giác cho rằng họ cung cấp vũ khí và chiến binh cho phiến quân đòi ly khai ở Ukraine.

Hiệp định Minsk do Nga, Ukraine, Pháp và Đức ký kết đòi hỏi đôi bên trong cuộc xung đột triệt thoái vũ khí hạng nặng ra khỏi tiền tuyến. Nhưng các quan sát viên quốc tế nói rằng những qui định đó thường xuyên bị vi phạm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG