Đường dẫn truy cập

TT Mỹ lên án 'vụ tấn công khủng khiếp' vào đền thờ Do Thái ở Jerusalem


Một lỗ đạn trên cánh cửa của đền thờ Do Thái ở Jerusalem sau vụ tấn công đẫm máu, ngày 19/11/2014.
Một lỗ đạn trên cánh cửa của đền thờ Do Thái ở Jerusalem sau vụ tấn công đẫm máu, ngày 19/11/2014.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lên án vụ tấn công hôm thứ ba vào một đền thờ Do Thái ở Jerusalem làm 5 người thiệt mạng, trong đó có 3 công dân Mỹ. Ông Obama nói đó là một thảm kịch cho cả Israel lẫn Hoa Kỳ. Trong khi ông Obama kêu gọi các bên Israel và Palestine hạ thấp căng thẳng và từ bỏ bạo lực, một chuyên gia về khu vực gợi ý rằng vụ việc mới nhất này chỉ có tác dụng nêu bật sự thất bại của tiến trình hoà bình. Thông tín viên VOA Victor Beattie ghi nhận chi tiết trong bài tường trình từ Washington sau đây.

Tổng thống Obama nói hai kẻ tấn công người Palestine đã hành động “một cách tàn ác và vô nghĩa lý” khi tấn công những tín đồ vô tội trong lúc họ đang cầu nguyện tại khu phố Har Nof ở tây Jerusalem, và lên án vụ tấn công ‘bằng những lời lẽ gay gắt nhất.’

“Điều bi thảm là, đây không phải là vụ tổn thất sinh mạng đầu tiên mà ta thấy trong những tháng gần đây. Quá nhiều người Israel đã chết. Quá nhiều người Palestine đã chết. Và vào thời điểm khó khăn này, tôi nghĩ điều quan trọng cho cả người Palestine và người Israel là phải tìm cách hợp tác với nhau để hạ giảm căng thẳng và từ bỏ bạo lực.”

Tổng thống nói những hành vi tàn nhẫn như thế tiêu biểu cho hình thức cực đoan đe doạ đưa toàn vùng Trung Đông vào một vòng xoắn ốc rất khó mà thoát ra được.

Phát biểu từ London hôm thứ ba, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry lên án điều ông gọi là ‘một hành vi khủng bố đơn thuần.’ Ông nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, là những người cũng lên án vụ tấn công.

Ông Kerry kêu gọi giới lãnh đạo Palestine ‘tiến hành các biện pháp nghiêm túc để kiềm chế mọi sự khích động…và thể hiện hình thức lãnh đạo cần thiết để đưa vùng này vào một con đường khác.’ Các cuộc hòa đàm do Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian đã sụp đổ hồi tháng 4.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon lên án ‘vụ việc đáng chê trách’ hôm thứ ba và cảnh báo rằng ‘tình hình liên tục xấu đi ở thực địa chỉ làm gia tăng thêm sự cấp thiết đối với các nhà lãnh đạo của cả hai bên phải đưa ra các quyết định khó khăn để thúc đẩy sự ổn định và bảo đảm an ninh dài hạn cho cả người Israel lẫn người Palestine.’

Bốn nạn nhân trong vụ tấn công là người Israel mang hai quốc tịch, trong đó có 3 người Mỹ, và một người Anh. Tất cả đều là giáo sĩ Do Thái. Nạn nhân thứ 5 là một cảnh sát viên Israel.

Ông Jonathan Bein là anh em rể của một trong các nạn nhân, giáo sĩ Do Thái Kalman Levine, 55 tuổi.

“Có lẽ điều ơn phước là, nhờ vào sự cam kết của anh ấy với mảnh đất Israel, cam kết ở lại Jerusalem, mà anh ấy đã đi theo con đường lẽ ra anh ấy đã muốn đi, đó là trong khi cầu nguyện cho mảnh đất Israel, ở Jerusalem.”

Tại Học viện Do Thái Hyman Brand ở Kansas City thuộc tiểu bang Missouri, giáo sĩ Do Thái Daniel Roccorf đã tuyên dương 2 trong 3 người Mỹ, ông Levine và Giáo sĩ Mosheh Twerseky, 59 tuổi, cả hai có liên hệ mật thiết với trường.

“Cả hai người thể hiện các lý tưởng và giá trị của người Do Thái và đều có cam kết sâu xa với gia đình họ. Họ sẽ được những người phối ngẫu, con cháu và toàn thể cộng đồng Do Thái thương tiếc.”

Người Mỹ thứ ba được xác nhận là Giáo sĩ Aryeh Kupinsky, 43 tuổi.

Tại London, một người chị em họ của Giáo sĩ Avraham Goldberg, bà Michelle Hirschfield, mô tả vị giáo sĩ 68 tuổi này là ‘rất khoan dung’ và ‘không có thành kiến.’

“Anh ấy là một tín đồ Do Thái thuần thành. Anh ấy không phải là một người Do Thái cuồng tín. Nhưng, anh ấy cảm thấy đây là nơi anh ấy muốn nuôi dậy con cái, rằng anh ấy đã lớn lên trong nền giáo dục dành cho người theo đạo do Thái, và anh ấy cảm thấy đây là nơi một người Do Thái nên sinh sống.”

Vụ tấn công ngày thứ ba là vụ mới nhất trong một loạt các vụ việc đã làm tăng thêm căng thẳng ở Jerusalem và vùng Tây ngạn. Chuyên gia về khu vực và là giáo sư sử học Michael Fishbach của trường Đại học Randolph-Macon ở Virginia nói vụ này nêu bật khái niệm, nhất là trong nhiều người Palestine, rằng tiến trình hoà bình đã chết.

“Chính thẩm quyền Palestine bị coi như thất bại. Tổ chức Giải phóng Palestine, mà trên nguyên tắc là thực thi tham gia vào các cuộc thương thuyết hoà bình với Israel, chứ không phải Thẩm quyền Palestine, mặc dầu có rất nhiều điểm tương đồng, đã thất bại. Hamas và điều cho họ là một đề xuất chọn lựa … dĩ nhiên, chúng ta trong cuộc chiến ở Gaza mùa hè này rằng chọn lựa đó dẫn tới bạo động nhiều hơn. Tôi nghĩ người Palestine bình thường cảm thấy rằng cuộc chiếm đóng của Israel đã tiếp tục, tình hình ở Jerusalem tiếp tục tệ hại hơn và, trong một ý nghĩa nào đó, tất cả những điều dự phỏng đều tắt ngấm. Đối với người Israel, chúng ta có thể đúng ra là vẫn tình trạng cũ, nhưng với một trọng tâm khác đi. Theo quan điểm của họ, vấn đề là , ‘Có một đối tác cho hoà bình hay không, có hy vọng nào không?”

Ông Fischbach nói đây là hậu quả của thất bại trong tiến trình hòa bình ở Oslo năm 1993 mà cả hai phía Israel và Palestine đã ký nhắm mục đích chấm dứt mấy chục năm thù nghịch.

Ông Fischbach lo ngại rằng phản ứng gay gắt của Israel trước vụ tấn công hôm thứ ba sẽ không những khích động thêm các vụ tấn công, mà còn gây ra những vấn đề với các đồng minh lâu đời của nhà nước Do Thái như Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG