Đường dẫn truy cập

Căng thẳng giữa Israel và Palestine châm ngòi bạo động trở lại


Người biểu tình Palestine ngồi trên bức tường gây tranh cãi của Israel ngăn cách thị trấn Abu Dis ở Bờ Tây với Jerusalem, 17/11/2014.
Người biểu tình Palestine ngồi trên bức tường gây tranh cãi của Israel ngăn cách thị trấn Abu Dis ở Bờ Tây với Jerusalem, 17/11/2014.

Với sự kiện Israel kiên quyết “mạnh tay” đáp trả vụ 2 người Palestine tấn công ngày thứ ba vào một nhà thờ Do Thái làm 4 người Israel chết và 6 người bị thương, bạo động đã mang các tầm vóc mới và nguy hiểm, theo các chuyên gia.

Đã nhiều tuần nay, căng thẳng sôi sục giữa người Israel và người Palestine đã tràn ra thành một loạt tấn công nhắm vào người Israel, các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người Palestine, và các vụ tấn công vào các nhà thờ hồi giáo và các nhà thờ Do Thái.

Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đã phản ứng rất mạnh trước các vụ bạo động trong đó hơn 1 chục người Israel và Palestine đã thiệt mạng và mấy chục người nữa bị thương.

Trong các sự cố đó có những vụ xung đột giữa người Palestine và cảnh sát Israel châm ngòi bởi những chuyến thăm của các chính trị gia cánh hữu Israel và những người ủng hộ họ đến khu đền al-Aqsa, hay Temple Mount, một địa điểm được cả hai tôn giáo kính ngưỡng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tố cáo người đứng đầu Thẩm quyền Palestine Mahmoud Abbas, là kích động bạo lực. Ông Netanyahu nói, “Thay vì xoa dịu sự giận dữ thì ông Abbas lại chọc giận họ. Thay vì nói lên sự thực, ông lại đi gieo rắc những lời dối trá.”

Ông Abbas nói thực ra chính ông Netanyahu mới kích động bạo lực qua việc cho phép những chuyến thăm đến địa điểm có tranh chấp. Ông Abbas nói, “Điều họ đang làm bây giờ là họ đang dẫn dắt khu vực và thế giới đến một cuộc chiến tranh tôn giáo, một cuộc chiến tranh tai hại.”

Căng thẳng ở địa điểm linh thiêng

Vụ bạo động mới nhất đã gây rối tại các địa điểm linh thiêng của cả người Israel lẫn người Palestine. Vụ tấn công ngày thứ ba được giới truyền thông Israel gọi là “vụ tấn công đầu tiên mà người ta còn nhớ được tại một nhà thờ Do Thái địa phương.”

Ngôi đền Temple Mount tiếp tục là một điểm nóng, tuy rằng buổi cầu kinh ngày thứ sáu tuần trước tại địa điểm này lần đầu tiên được yên tĩnh từ nhiều tuần nay. Cảnh sát đã bãi bỏ lệnh cấm người Hồi giáo cầu kinh ở đó và những chuyến thăm của người Israel hữu khuynh bị huỷ bỏ.

Tiếp theo cuộc chiến tranh giữa Ả Rập và Israel năm 1967, Israel giữ nguyên một thoả thuận hiện hữu cho phép người không theo Hồi giáo được đi thăm đền nhưng không được cầu kinh ở đó.

Các nhà hoạt động Do Thái muốn chấm dứt sự hạn chế này và nói rằng tất cả các tôn giáo phải được phép cầu nguyện ở đó. Nhiều người Hồi giáo tin rằng đây là một nỗ lực thiết lập chủ quyền Do Thái tại địa điểm linh thiêng này.

Một trong những nhà hoạt động đã bị thương nặng vào ngày 29 tháng 10 trong một vụ mưu sát. Kẻ tấn công ông, một người Palestine ở Đông Jerusalem, sau đó đã bị thiệt mạng trong một vụ nổ súng với cảnh sát.

Một nhà bỉnh bút chính trị cho nhiều báo của Israel và là một người tự xưng là theo chủ nghĩa dân tộc, ông Amiel Ungar, nói rằng từ cả thế kỷ nay vấn đề này đã được người Palestine sử dụng để, theo nguyên văn lời ông, quốc tế hoá địa điểm linh thiêng này.

Ông nói, “Không có ai đe doạ Temple Mount nhưng đây vẫn luôn là điều hữu ích. Và tôi phải nói từ phía Do Thái nỗ lực gia tăng sự hiện diện của người Do Thái là một phản ứng của người Do Thái trước sự xâm lấn của Ả Rập vào địa điểm đó và đó là một phản ứng đối với thái độ lơ là của các chính phủ Israel.”

Ông lên án Bộ Tôn giáo của Jordani, là đơn phương đào bới những mảnh đất lịch sử để xây dựng vào năm 1999.

Nhưng xã hội Israel chia rẽ rất sâu xa về những vấn đề như thế. Nhiều người Israel chỉ trích các nhà hoạt động cánh hữu là xúi giục bạo động.

Giáo sư hồi hưu Matti Steinberg của trường Đại học Hebrew nói họ đang tận dụng ảnh hưởng của họ trong nội bộ chính phủ Netanyahu. Ông nói, “Chúng ta phải nói tới nỗ lực của phe cánh hữu muốn nắm lấy thời cơ, hoặc sự kiện họ đã ở ‘trên lưng ngựa’ trong chính sự Israel. Và để thực hiện tình trạng những chuyện đã rồi ở Jerusalem và vùng Tây ngạn.”

Các yếu tố kinh-xã đằng sau tình trạng bất ổn

Nhiều chuyên gia nói bạo động cũng là do căng thẳng gia tăng về các vấn đề xã hội.

Bạo động bùng ra ở Đông Jerusalem và vùng Tây ngạn sau khi cảnh sát Israel bắn chết một thiếu niên Palestine dường như đã đe doạ một trong những chiếc xe của họ. Cảnh sát nói một phát súng cảnh cáo đã nổ trước. Nhưng video nghiệp dư cho thấy thiếu niên bị bắn sau khi anh ta đã chạy xa khỏi cảnh sát.

Cảnh sát cũng giết những người lái các chiếc xe đã hai lần cán khách bộ hành tại những trạm chuyên chở công cộng. Hai người Israel cũng đã bị giết và 5, 6 người bị thương trong những vụ tấn công bằng dao của người Palestine.

Người đứng đầu Viện Hợp tác và Hoà bình Quốc tế Đông Jerusalem, ông Rami Nasrallah, nói người Palestine ngày càng bất mãn, nhất là trong giới trẻ. Ông nói, “Tất cả đều có liên hệ đến sự thất bại của chế độ Irael trong việc cung cấp các dịch vụ thích đáng và các giải pháp gia cư và giáo dục. Vì thế đó chủ yếu là một vụ xung đột về thành thị. Và vấn đề ngôi đền al-Aqsa đã biến nó thành một vụ xung đột tôn giáo thay vì là một vụ xung đột về sắc tộc toàn quốc.”

Ông nói cảnh sát đã bắt giữ hơn 2 ngàn thiếu niên Ả Rập trong 6 tháng vừa qua, một số một cách độc đoán, vì các vụ biểu tình gần như hàng ngày trong đó nhiều người Palestine đã thiệt mạng và nhiều cảnh sát viên bị thương.

Bộ trưởng của Thẩm quyền Palestine đặc trách Jerusalem, ông Adnan al-Husseini nói tình hình rất nguy hiểm. Ông nói, “Tất cả những lời bàn tán về yên tĩnh đều vô nghĩa. Con đường Palestine ở Jerusalem đang sôi tràn. Thanh niên rất căm phẫn và sự giận dữ này là một dấu hiệu nguy hiểm. Do đó, chúng ta đang tiến tới một thời điểm rất khó khăn.”

Bạo động đã kích động các vụ tấn công dường như để trả thù nhắm vào các đền hồi giáo và nhà thờ Do Thái, kể cả vụ tấn công hôm thứ ba.

Hôm Chủ nhật, người ta tìm thấy một tài xế xe buýt người Palestine bị treo cổ trên xe của ông ta. Giới hữu trách Israel nói đó là một vụ tự tử nhưng phía Palestine tin rằng ông ta bị tấn công.

Các nhà phân tích nói căng thẳng vốn đã gia tăng sau cuộc xung đột 50 ngày hồi tháng 7 và tháng 9 vì dải Gaza trong đó 2.200 người Palestine và 72 người Israel đã thiệt mạng.

Vụ xung đột tiếp theo sự sụp đổ của nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm hồi sinh các cuộc hoà đàm Trung Đông đã bị đình trệ. Các cuộc đàm phán đã tan vỡ sau khi mỗi bên đề ra các điều kiện mà bên kia nhận thấy là không thể chấp nhận được.

Chuyên gia phân tích Ungar tin rằng chính phủ Israel nên đặt thêm áp lực lên phía Palestine. Ông nói, “Giải pháp sẽ là – nhưng tôi không lấy làm lạc quan – là mọi người cuối cùng sẽ thấy rằng cách duy nhất để thuyết phục phía bên kia là giải pháp đó có một thứ gì cụ thể để mất.”

Những người Israel khác không đồng ý. Họ nói lối thoát duy nhất là hồi sinh các cuộc thương nghị hoà bình và các nỗ lực đạt được giải pháp 2 quốc gia đòi hỏi một quốc gia Israel và một quốc gia Palestine tồn tại bên nhau.

Chuyên gia phân tích Steinberg nói chọn lựa duy nhất là một nhà nước duy nhất do người Israel kiểm soát nhưng với khối dân đa số người Palestine. “Sẽ là một không gian, một nhà nước mà theo tôi chung cuộc sẽ là theo chủ nghĩa Do Thái bởi vì chủ nghĩa Do Thái dựa trên đa số Do Thái và trên dân chủ.”

Nhưng ông thừa nhận chọn lựa này sẽ đòi hỏi những dung hoà gay go đang ngày càng trở nên khó đạt tới hơn. Ông Steinberg nói, “Mọi chọn lựa đều kèm theo một cái giá đắt nhưng chúng ta phải quyết định giá nào cao hơn. Tôi nghĩ là mục đích của dân chủ, tinh thần dân chủ, các thủ tục dân chủ và mục tiêu đặc điểm Do Thái của nhà nước Israel là cái giá nặng nhất.”

Ông Ungar đồng ý rằng bạo động tiếp tục là xấu nhưng còn hơn so với điều ông coi là chọn lựa khác. Ông nói, “Mặt khác, đây đã là số phận của chúng ta trong suốt lịch sử kể từ sáng kiến chủ nghĩa Do Thái. Và nếu chúng ta phải duy trì tình hình bạo động này đối chiếu với việc tự sát trong một sắp xếp hoà bình, thì chúng ta phải duy trì bạo động.”

Các triển vọng về một giải pháp ôn hoà dường như không tốt trong tương lai gần.

Các nhà phân tích nói ông Netanyahu đang bị đặt dưới áp lực phải chấp nhận một đường lối cứng rắn chống lại phe Palestine của các thành viên cánh hữu trong liên minh cầm quyền và đảng Likud của ông. Một số người dự báo điều này có thể dẫn đến sự sụp đổ của liên minh và các cuộc bầu cử mới trong năm tới.

Ông Abbas cũng đang bị đặt dưới áp lực từ phía Palestine đã thất vọng về một thoả thuận hoà bình và cho đến nay đã dành hậu thuẫn đằng sau một cuộc bất tuân dân sự, một cuộc kháng chiến do phe Hamas đứng đầu hay các nỗ lực ngoại giao để được quốc tế thừa nhận một nhà nước Palestine.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG