Đường dẫn truy cập

Tổng thống Mỹ chú trọng vào tương lai trong diễn văn Tình trạng Liên bang


Phó Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan lắng nghe Tổng thống Obama trình bày diễn văn Tình trạng Liên bang, ngày 12 tháng 1, 2016.
Phó Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan lắng nghe Tổng thống Obama trình bày diễn văn Tình trạng Liên bang, ngày 12 tháng 1, 2016.

Tổng thống Barack Obama đã trình bày diễn văn Tình trạng Liên bang thứ bảy và cũng là cuối cùng của ông, nêu bật những thành tựu của ông trên cương vị tổng thống, tập trung vào viễn kiến của ông cho tương lai đất nước và nói đến sự cần thiết phải hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc của đất nước.

Phát biểu trong nghị trường Hạ viện chật kín tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, ông Obama thừa nhận không đặt nhiều kỳ vọng cho năm cuối cùng ông tại chức, nhưng tuyên bố ông sẽ không ngừng nỗ lực để đạt được những mục tiêu chính sách của mình.

"Sửa chữa một hệ thống di trú bất cập, bảo vệ con em của chúng ta khỏi bạo lực súng ống, trả lương ngang bằng cho cùng công việc, nghỉ phép được hưởng lương, nâng mức lương tối thiểu - tất cả những điều này vẫn còn quan trọng đối với những gia đình làm việc cần cù, đó vẫn là những điều đúng đắn cần làm, và tôi sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi những điều này được thực hiện," ông nói.

Ông Obama cũng phản bác những người chỉ trích ông về những vấn đề kinh tế, nói rằng "bất cứ ai cho rằng nền kinh tế Mỹ đang suy yếu đều chỉ là rêu rao huyễn tưởng."

"Hoa Kỳ, ngay lúc này, có nền kinh tế hùng mạnh nhất, vững chắc nhất trên thế giới," ông nói, dẫn ra con số hơn 14 triệu công ăn việc làm mới, tỉ lệ thất nghiệp giảm đi một nửa, và ngành công nghiệp xe hơi và sản xuất đang tăng trưởng.

"Xăng dưới hai đôla một gallon cũng đâu có tệ," ông nói trong khi tràng vỗ tay vang lên.

Về đối ngoại, ông Obama cho biết "ưu tiên số một là bảo vệ người dân Mỹ và truy kích những mạng lưới khủng bố." Ông lưu ý rằng cả al-Qaida và nhóm Nhà nước Hồi giáo đều đề ra mối đe dọa cho nước Mỹ, nhưng ông cũng cảnh báo chớ tin lời những người nói rằng thế giới đang chìm vào "Thế chiến thứ ba."

"Những đám chiến binh ngồi sau xe bán tải và những linh hồn méo mó mưu toan tấn công trong những căn hộ hay ga-ra đề ra mối nguy rất lớn cho thường dân và phải bị chặn đứng," ông nói. "Nhưng chúng không đe dọa sự tồn vong quốc gia của chúng ta."

"Đó là câu chuyện mà ISIL muốn kể," ông Obama nói, sử dụng một cái tên khác của nhóm Nhà nước Hồi giáo. "Đó là loại tuyên truyền mà chúng sử dụng để tuyển mộ. Chúng ta không cần phải nâng chúng lên để cho thấy là chúng ta nghiêm túc. Chúng ta cũng không cần phải đẩy những đồng minh thiết yếu của chúng ta trong cuộc chiến này ra xa bằng cách lặp lại sự dối trá rằng ISIL đại diện một trong những tôn giáo lớn nhất thế giới."

Ông Obama, người theo Đảng Dân chủ, cũng tế nhị phê phán những ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, nói rằng người Mỹ "không cần phải e sợ tương lai."

"Nước Mỹ trước đây đã trải qua những thay đổi to lớn – những cuộc chiến tranh và suy thoái, những dòng người nhập cư, những người lao động đấu tranh đòi công bằng, và những phong trào mở rộng quyền dân sự," ông Obama nói.

"Mỗi lần như vậy lại có những người nói với chúng ta rằng hãy e sợ tương lai; những người tuyên bố chúng ta có thể chặn đứng sự thay đổi, hứa hẹn khôi phục lại vinh quang của quá khứ nếu chúng ta chỉ kiểm soát một nhóm người hay ý tưởng nào đó đe dọa nước Mỹ. Và mỗi lần như thế chúng ta đều vượt qua những nỗi sợ hãi đó," ông nói.

Ông Obama nhắm mục tiêu đả kích vào những người đang vận động tranh cử tổng thống đã đưa ra những phát biểu lăng mạ người Hồi giáo, và lên án những vụ tấn công gần đây nhắm vào những nơi thờ phượng của người Hồi giáo.

"Khi những chính trị gia sỉ nhục người Hồi giáo, khi một nhà thờ Hồi giáo bị phá hoại, hoặc một đứa trẻ bị bắt nạt, điều đó không làm cho chúng ta an toàn hơn. Điều đó không phải là gọi đúng bản chất của sự việc. Điều đó là sai trái," ông nói. "Nó hạ thấp hình ảnh của chúng ta trong con mắt của thế giới. Nó làm cho việc đạt được mục tiêu của chúng ta khó khăn hơn. Và nó phản bội chúng ta trong tư cách một quốc gia."

Ông Obama nêu ra những thành tích trong chính sách đối ngoại, bao gồm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, kiến tạo thỏa thuận thương mại lớn Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tái khởi động quan hệ ngoại giao với Cuba, và đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Phát biểu của ông Obama không đề cập đến vụ việc xảy ra hôm thứ Ba mà trong đó 10 thủy thủ Mỹ bị Iran bắt giữ, sau khi dường như đi lạc vào lãnh hải của Iran ở vùng Vịnh Ba Tư.

Các quan chức Mỹ khác đã cố gắng hạ thấp tầm quan trọng của vụ việc này, nói rằng Iran đã đồng ý "nhanh chóng" phóng thích những thủy thủ này. Vụ việc đã đe dọa làm ông Obama bị phân tâm trong khi chỉ vài giờ nữa là ông lên phát biểu.

Thay vào đó, ông Obama tập trung vào những vấn đề chính sách đối ngoại khác, bao gồm tiếp tục khẳng định quyết tâm đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo ở Cuba. "Nó tốn kém, không cần thiết, và chỉ đóng vai trò như là một thứ giúp kẻ thù của chúng ta tuyển mộ," ông nói.

Đáp từ của Đảng Cộng hòa

Đáp từ của Đảng Cộng hòa do Thống đốc bang South Carolina Nikki Haley trình bày, người mà tin đồn nói rằng có thể là một lựa chọn phó tổng thống cho ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Bà Haley nói rằng ông Obama đã không thực hiện đúng như "những lời lẽ cao vời" của mình.

"Khi ông ta bước vào năm cuối cùng tại chức, nhiều người Mỹ vẫn còn đang cảm thấy sức ép của một nền kinh tế quá yếu để nâng cao mức thu nhập. Chúng ta đang cảm thấy một khối nợ quốc gia đang đè nặng, một kế hoạch chăm sóc y tế mà đã làm cho bảo hiểm đắt đỏ hơn còn bác sĩ thì ít đi, và tình trạng bất ổn hỗn loạn ở nhiều thành phố của chúng ta," bà Haley nói.

"Thậm chí tệ hơn, chúng ta đang phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố nguy hiểm nhất mà đất nước chúng ta từng chứng kiến kể từ ngày 11 tháng 9, và tổng thống này dường như chẳng muốn mà cũng chẳng thể đối phó được. Không lâu nữa, nhiệm kỳ tổng thống Obama sẽ kết thúc, và nước Mỹ sẽ có cơ hội để rẽ sang một hướng đi mới."

VOA Express

XS
SM
MD
LG