Đường dẫn truy cập

Tòa xử Mẹ Nấm ngày 29/6, gia đình không được dự


Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Gia đình của Blogger Mẹ Nấm không được dự phiên tòa ấn định vào ngày 29/6 tới đây tại tỉnh Khánh Hòa để xét xử cô, trong khi một quyết định của tòa nói đây là một phiên tòa “được xét xử công khai.”

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, nói với VOA-Việt ngữ hôm thứ Hai 19/6 rằng một thư ký tòa án vào sáng 19/6 đã cho bà biết rằng gia đình không được dự vì đây là một phiên tòa “đặc thù”:

“Tôi đến Tòa án và hỏi cô thư ký vì sao tôi chưa có giấy tham dự phiên tòa, cô thư ký tên Trịnh Thị Biên trả lời rằng vì đây là phiên tòa đặc thù nên tôi không được tham dự.”

Trong một quyết định do Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa ký vào ngày 14/6, phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng hôm 29/6, blogger Mẹ Nấm bị truy tố về tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo cả ba hành vi nêu tại khoản 1, Điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Quyết định này nêu rõ rằng “vụ án được xét xử công khai.”

“Đầu giờ chiều hôm nay, ngày 19/6, tôi đã viết đơn yêu cầu cho tôi tham dự phiên tòa của con tôi, vì đây là một phiên tòa công khai. Họ đã nhận đơn của tôi, nói rằng sẽ chuyển cho thẩm phán. Tôi không biết họ sẽ phản hồi thế nào, và tôi đã tuyên bố trên trang Facebook cá nhân của tôi để mọi người rộng đường dư luận. Đây là một phiên tòa công khai mà họ lại không cho tham dự. Việc đùn đẩy trách nhiệm như vậy là không đúng.”

Viết trên Facebook hôm 19/6, Luật sư nhân quyền Lê Công Định ở Sài gòn đặt câu hỏi: "phiên toà đặc thù" nên người nhà bị cáo không được tham dự là quy định nào trong luật Việt Nam hiện hành?

Luật sư Lê Công Định bình luận: “Chế độ cộng sản luôn sinh ra nhiều loại lệ và lệnh miệng nghiễm nhiên chà đạp luật pháp.”

Hơn 8 tháng qua, kể từ khi cô Như Quỳnh bị bắt vào tháng 10 năm ngoái, luật sư và gia đình chưa được tiếp xúc với cô. Bà Tuyết Lan rất bức xúc và phẫn uất về việc này, ngay cả sau khi điều tra đã kết thúc:

“Đáng lẽ sáng nay khi kết thúc điều tra thì phải cho gặp, nhưng họ không cho gặp. Tôi lên trại tạm giam thì người trực ban nói rằng An ninh Điều tra tỉnh Khánh Hòa can thiệp không cho tôi gặp. Hầu hết các cơ quan đều tránh né tôi hết. Đó là những điều sách nhiễu. Họ không chân thật. Tôi rất phẫn uất về điều này.”

Quyết định xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Facebook Nguyen Kha Thanh
Quyết định xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Facebook Nguyen Kha Thanh

Về phiên tòa sơ thẩm sắp tới, bà Lan nói rằng các tổ chức quốc tế và đại diện ngoại giao các nước đang thu xếp với chính quyền Việt Nam để đến dự, nhưng bà nói tuy họ “rất cố gắng” nhưng không biết phía Việt Nam có đồng ý cho họ đến dự phiên tòa không.

Bà Tuyết Lan kêu gọi mọi người hãy đồng hành vì tự do và công lý cho Như Quỳnh. Bà tin tưởng rằng con gái bà sẽ chất vấn hội đồng xét xử đến cùng, nếu con bà được tiếp cận thông tin trong thời gian vừa qua:

“Tôi xin mọi người đồng hành cùng tôi để đòi tự do cho con tôi, yêu cầu xét xử minh bạch và công khai. Trong hơn 252 ngày cách ly, nếu con tôi được tiếp cận thông tin hàng ngày, thì tôi tin chắc rằng phiên tòa này sẽ bị con tôi chất vấn đến tận cùng.”

Blogger Mẹ Nấm là người có nhiều hoạt động cổ vũ cho phong trào đấu tranh bảo vệ nhân quyền, dân sinh, môi trường và chủ quyền lãnh thổ. Cô đã tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối âm mưu xâm lấn lãnh hải của Trung Quốc, và đặc biệt đã lên tiếng yêu cầu khởi tố Formosa vì đã gây ra thảm họa môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung ở Việt Nam.

Kể từ ngày bị bắt cho đến nay đã hơn 250 ngày, gia đình cô Như Quỳnh không được gặp mặt. Bà Tuyết Lan nói với VOA rằng chính quyền đã dùng mọi thủ đoạn để ngăn cản Như Quỳnh gặp người thân cũng như luật sư. Bà Lan nói bà đã đến các cơ quan tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu được thăm gặp con, nhưng tất cả những lần đó đều bị nhà cầm quyền từ chối với lý do “đang điều tra, không thể cho gặp.”

Sau khi công an tỉnh Khánh Hòa bắt khẩn cấp Như Quỳnh vào tháng 10/2016, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho cô.

Mẹ Nấm từng được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế vinh danh về những hoạt động cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Cô được trao giải Hellman/Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2010, giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Civil Rights Defenders năm 2015, và gần đây nhất, vào tháng 3/2017, blogger Mẹ Nấm được Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump vinh danh với “Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế”.

Qua mạng xã hội, bà Tuyết Lan kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ cho con gái trong phiên tòa sắp tới. Bà Lan viết: “Con tôi vô tội, chỉ vì dám lên tiếng phản đối Trung cộng xâm lược biển đảo cũng như yêu cầu khởi tố Formosa mà nhà cầm quyền đã rắp tâm trả thù con tôi. Những gì Quỳnh làm cũng chỉ vì lợi ích quốc gia, dân tộc và vì không muốn thế hệ con cháu sau này phải gánh chịu hậu quả từ những sai lầm trong quá khứ của nhà cầm quyền”.

Bà Tuyết Lan nói thêm: “Tôi xin mọi người lên tiếng đòi lại công bằng cho con tôi... để xã hội này được tốt đẹp hơn. Hôm nay là con tôi, ngày mai chắc chắn là người khác, con tôi vô tội hoàn toàn…”

Bà Tuyết Lan cho VOA biết có 4 luật sư được tòa án Khánh hòa cấp giấy chứng nhận là người bào chữa cho Như Quỳnh. Đó là các Luật sư Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân, Nguyễn Khả Thành, và Võ An Đôn. Dự kiến các luật sư sẽ được tiếp cận hồ sơ vụ án và vào trại tạm giam gặp cô Như Quỳnh trong tuần này, vài ngày trước khi phiên sơ thẩm bắt đầu.

Theo quyết định của tòa án, trong phiên xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ông Trần Hữu Viên sẽ làm thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa; ông Lê Quang Trung, đại diện cho Viện kiểm sát, và các hội thẩm nhân dân có ông Mai Gia Cát và bà Lê Thị Hoàng Yến.

Vụ Đồng Tâm: ‘Quân đội, chính quyền cần chứng minh đất quốc phòng’
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:49 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG