Đường dẫn truy cập

Thủ tướng VN chỉ đạo Hải quan hiện đại hóa, hạn chế tiếp xúc, xử lý việc sách nhiễu


Cán bộ hải quan tại một cảng ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam (ảnh tư liệu, 13/8/2020).
Cán bộ hải quan tại một cảng ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam (ảnh tư liệu, 13/8/2020).

Trang Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam cho biết hôm 18/4 rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký văn bản chỉ đạo ngành hải quan và các cơ quan liên quan đẩy mạnh hiện đại hóa cũng như phải xử lý, chấn chỉnh các hành vi phạm luật, gây phiền hà, sách nhiễu.

Ông Chính yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin theo hướng số hóa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục đối với hàng hóa, xe cộ khi xuất nhập khẩu hoặc xuất nhập cảnh.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi sang số hóa trong lĩnh vực này theo yêu cầu của thủ tướng là để góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, xét đến bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, và tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến khó lường thời gian tới, văn bản của thủ tướng viết.

Thủ tướng Chính cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan bảo đảm trang thiết bị phục vụ cho việc hiện đại hóa, đồng thời cần phải hạn chế sự tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.

Một yêu cầu nữa mà vị lãnh đạo chính phủ Việt Nam đặt ra với bộ và tổng cục là họ phải thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục hải quan cho người dân và doanh nghiệp, bên cạnh đó phải kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các đơn vị, công chức hải quan có hành vi vi phạm pháp luật, gây phiền hà, sách nhiễu, hoặc không kịp thời giải quyết các vướng mắc.

Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính được đưa ra khi Việt Nam ghi nhận mức tăng xuất nhập khẩu cao trong nhiều năm gần đây nhưng đã xuất hiệu tín hiệu xấu hồi năm ngoái.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 năm từ 2018 đến 2022, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu bình quân của Việt Nam đạt 11,3%/năm. Tuy nhiên, năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của đất nước ước đạt 683 tỷ đô la, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Tổng cục nói là do kinh tế thế giới đã gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn, với chỉ số giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP đạt mức 190%. Với độ mở lớn như vậy, Việt Nam trở nên dễ tổn thương hơn trước các biến động bên ngoài.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG