Cảnh sát Malaysia đang điều tra trường hợp một thiếu nữ được cho là đã nhảy lầu tự vẫn sau khi dùng mạng xã hội hỏi ý kiến những người theo dõi xem liệu cô có nên tự sát hay không, theo Reuters.
Cô gái 16 tuổi, không được tiết lộ danh tính, đã thực hiện cuộc thăm dò trên ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram với câu hỏi “Rất quan trọng, Hãy giúp tôi chọn D/L”, vài giờ trước khi nhảy lầu tự tử ở Sarawak, miền đông Malaysia, hôm thứ Hai 13/5, cảnh sát trưởng quận Aidil Bolhassan nói với Reuters.
‘D/L’ được cho là từ viết tắt ‘Chết / Sống’ trong tiếng Anh, và cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 69% số người trả lời cô đã chọn ‘D’ (chết), cảnh sát trưởng của Malaysia cho biết thêm.
“Chúng tôi đang khám nghiệm tử thi để xác định liệu có những yếu tố nào khác trong cái chết của cô ấy không”.
Vẫn theo lời cảnh sát này, cô gái trẻ có tiền sử bị trầm cảm.
Instagram đã xem lại tài khoản của thiếu niên này và thấy rằng cuộc thăm dò trực tuyến kéo dài hơn 24 giờ và kết thúc với 88% phiếu bầu ‘L’ (sống), Reuters dẫn lời người đứng đầu bộ phận truyền thông của Instagram ở châu Á-Thái Bình Dương, Wong Ching Yee, cho biết.
Tuy nhiên, theo lời cảnh sát Aidil, kết quả của cuộc thăm dò ý kiến có thể đã thay đổi sau khi có tin cô gái này đã tự tử.
Vụ việc gây lo ngại cho giới lập pháp Malaysia, và họ kêu gọi phải mở một cuộc điều tra sâu rộng hơn về vụ này.
Ramkarpal Singh, một luật sư và thành viên của Quốc hội Malaysia, nói rằng những người đã bỏ phiếu để thiếu niên này tự vẫn có thể bị truy tố tội “trợ giúp tự sát”.
“Cô gái vẫn còn sống đến ngày hôm nay nếu phần lớn cư dân mạng trên tài khoản Instagram của cô khuyến khích cô đừng tự vẫn?”
“Cô có thể đã nghe theo lời khuyên của cư dân mạng là tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp nếu như họ làm như vậy”, nhà lập pháp Malaysia nói.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Syed Saddiq Syed Abdul Rahman cũng kêu gọi một cuộc điều tra, và nói rằng cần phải xem xét một cách nghiêm túc về tỷ lệ tự tử đang gia tăng cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần trong giới trẻ.
Theo luật Malaysia, bất kỳ ai bị kết án vì tội “trợ giúp tự sát” đối với trẻ vị thành niên có thể phải đối mặt với án tử hình, hoặc lên đến 20 năm tù giam và bị phạt tiền.
Instagram đã gửi lời chia buồn tới gia đình thiếu niên Malaysia, và cho biết công ty có trách nhiệm làm cho người sử dụng cảm thấy an toàn và được hỗ trợ.
“Trong một phần các nỗ lực của chúng tôi, chúng tôi kêu gọi mọi người hãy sử dụng các công cụ báo cáo của chúng tôi và liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp nếu thấy bất kỳ hành vi nào khiến cho ai đó gặp nguy hiểm”, Reuters dẫn lời bà Wong nói.
Vào tháng 2, Instagram đã cấm những hình ảnh và nội dung đồ họa liên quan đến việc tự gây tổn hại cho mình trên trang mạng xã hội này, với lý do cần phải giữ an toàn cho những người sử dễ bị tổn thương.
Những thay đổi này xuất hiện sau áp lực từ phụ huynh của một thiếu niên người Anh cho rằng chính việc xem các tài khoản Instagram liên quan đến việc tự gây hại cho mình và trầm cảm đã góp phần khiến cho con gái họ tự vẫn vào năm 2017.